Cần thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân đăng ký các dịch vụ online
Đây là một trong những khuyến cáo của Bộ Công an đến người dân để phòng tránh và ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Mua bán thông tin cá nhân rồi thực hiện hành vi lừa đảo
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Các đối tượng này hoạt động trong nhóm “Data chất lượng toàn quốc” với gần 1.000 thành viên. Trong đó Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999, trú tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) và Nhữ Thị Nguyên (SN 1988, trú tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã quản lý và sử dụng tài khoản Facebook “Thư vũ” để đăng tải chào bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người khác nhau, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.
Từ việc mua được thông tin cá nhân khách hàng của tài khoản "Thư vũ", nhóm đối tượng Đinh Quốc Tuấn (SN 1987), Nguyễn Thị Thắm (SN 1990, cùng trú ở TP. Hà Nội) và Nguyễn Xuân Tùng (SN 1990, ở tỉnh Yên Bái) đã tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhóm này đã lập các trang web giả mạo có hình thức, giao diện giống các trang web của ngân hàng và công ty cho vay tài chính rồi liên hệ với khách hàng qua các dữ liệu đã mua. Khi bị hại có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới được giải ngân và bị chúng chiếm đoạt...
Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 10/2022 - 3/2023, các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước.
Khuyến cáo của Bộ Công an
Nhằm phòng tránh và ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an khuyến cáo đến người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh làm lộ lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng
Theo đó, người dân tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu trên mạng xã hội Zalo, hay Facebook...
Đặc biệt, cần thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân vào việc đăng ký các dịch vụ online như mua hàng, xin việc, vay tiền… Tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng đề nghị thuê hoặc mua lại thông tin cá nhân từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc tài khoản ngân hàng.
Cũng theo Bộ Công an, hiện nay, tại nhiều địa phương, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã tổ chức mua lại thông tin từ 100.000 đồng- 300.000 đồng trên mỗi chứng minh nhân dân, căn cước công dân được chụp lại, hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân, để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, tăng cường trau dồi các kiến thức về pháp luật, bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng để tránh sập bẫy đối tượng lừa đảo.
Cảnh giác với lừa đảo qua mã QR
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo qua quét mã QR là 1 trong những vấn đề nổi bật được một số ngân hàng phát thông tin cảnh báo.
Để phòng tránh, đại diện Cục An toàn thông tin khuyến nghị trước tiên, người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email.
Người dùng cũng cần xác định và kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản người trao đổi mã QR; xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với “https” và có phải tên miền quen thuộc hay không.
Cùng với đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản đăng nhập ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; sử dụng trình quản lý mật khẩu, xác thực 2 yếu tố và các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản.