Đại tá Trần Hữu Thông - Người gieo mầm xanh trên đất khô cằn
Đời sống - Ngày đăng : 09:48, 20/08/2015
Nhen lên khát vọng hoàn lương
Tính đến nay, tròn 40 năm non sông liền một dải, cũng là ngần ấy năm người chiến sĩ cảnh sát bảo vệ Trần Hữu Thông có mặt trong đoàn quân tiến vào Nam làm nhiệm vụ quản lý trại giam sau giải phóng. Và sau 39 năm, với tâm huyết, sức lực của biết bao thế hệ chiến sĩ cảnh sát trại giam, vùng “đất chết” Hàm Tân, Bình Thuận, nơi Trần Hữu Thông về công tác (năm 1976) đã mang một diện mạo mới đầy sức sống, với ngút ngàn màu xanh cây trái bên cạnh những dãy nhà, xưởng sản xuất khang trang, mang dáng dấp của một công, nông trường yên bình, ấm áp.
Để Trại giam Thủ Đức có được vẻ khang trang, bề thế như ngày hôm nay, khó có thể nói hết những gian truân, cực nhọc mà người lính trẻ Trần Hữu Thông đã cùng đồng đội của mình trải qua. Khó có thể đong đếm hết được mồ hôi, sức lực của các anh đã đổ xuống mảnh đất này, kể từ ngày giải phóng.
Vùng rừng lá Hàm Tân hồi đó còn là nơi bọn tàn quân ngoan cố, bọn Fulro hung hãn ẩn náu để móc nối với phạm nhân trong trại hòng tổ chức quấy phá, ám sát cán bộ. Dẫu cực khổ chồng lên gian khó, dẫu bệnh tật đến cùng thiên tai, song Trần Hữu Thông đã cùng với anh em đồng nghiệp không ngừng trau dồi khả năng lí luận, thuyết phục sắc bén và tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên động viên nhau hăng say làm việc để xây dựng nên một khu hành chính với nhiều phòng ở, phòng cho phạm nhân và hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp…
Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức
Sau khoảng thời gian dài nỗ lực trên nhiều cương vị công tác, lập nhiều chiến công xuất sắc, năm 2006, đại tá Trần Hữu Thông được bổ nhiệm làm Giám thị trại giam Thủ Đức. “Vinh dự lớn - trách nhiệm cao” đã thúc giục ông không được hài lòng với những gì đã có. “Làm sao để những người phạm tội chấp hành án phạt tù ở các trại giam tiến bộ, hoàn lương qua lao động cải tạo, để khi trở về cộng đồng thật sự có ích cho gia đình và xã hội? Làm sao để họ hiểu rằng các cán bộ Trại đang tạo mọi cơ hội cho họ hướng thiện, hoàn lương, tạo cho họ được quyền học tập, vui chơi và nghỉ ngơi”, những câu hỏi ấy cứ luôn hắt vào ông đay đả.
Để rồi bằng một sự am hiểu sâu sắc xã hội học và tội phạm học, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và trên hết là bản lĩnh của một đảng viên, một sĩ quan công an thời đại mới, những ý tưởng đã được Trần Hữu Thông hiện thực hóa, mang lại nhiều hiệu quả đáng trân trọng trong công tác cải tạo và giam giữ phạm nhân.
Xuất phát từ suy nghĩ để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho thân nhân phạm nhân thăm gặp phạm nhân, từ đó phát huy vai trò của gia đình trong cải tạo giáo dục của trại, cuối năm 2006, đại tá Trần Hữu Thông đã mạnh dạn xin ý kiến cấp trên cho mở văn phòng đại diện tại bến xe Miền Đông, TP. Hồ Chí Minh và hợp đồng xe đưa đón thân nhân gia đình phạm nhân làm thủ tục đến thăm con em họ đang thi hành án tại trại. Vậy là gần 10 năm qua, những chuyến xe đưa đón gia đình phạm nhân từ bến xe miền Đông, TP. Hồ Chí Minh đến trại thăm người thân đã trở thành cầu nối nghĩa tình giữa phạm nhân với gia đình, giữa gia đình phạm nhân với trại.
Năm 2008, nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong phạm nhân và cán bộ để giúp đỡ cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật, gia đình nghèo túng không có điều kiện thăm nuôi, đại tá Trần Hữu Thông đã phát động anh em trong toàn đơn vị xây dựng lên Quỹ tấm lòng vàng. Sau nhiều năm, quỹ này đã huy động được trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 7000 lượt phạm nhân ốm đau và phạm nhân không có người thăm nuôi. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, song đã mang lại những bài học giá trị về tinh thần tương thân tương ái, để trong mỗi người từng một thời lầm lỗi nhen lên ngọn lửa ấm áp của tình người, của khát vọng hoàn lương.
“Những người trả nắng về tim”
Bên cạnh đó, với suy nghĩ “cần phải gieo vào suy nghĩ, tư tưởng của mỗi phạm nhân về khát vọng sống đúng nghĩa, cố gắng vươn lên sống tốt qua những gì đã được giáo dục, được đọc qua những trang sách”, đại tá Trần Hữu Thông đã cùng Hội đồng giám thị cho xây dựng một thư viện với hơn 6.000 đầu sách. Kể từ đó, thư viện của trại đã trở thành nguồn vui, là kênh học tập gián tiếp đối với các phạm nhân. Đó cũng là thành quả từ chủ trương hết sức nhân văn của Tổng cục thi hành án và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an. Từ chính thư viện này, nhiều phạm nhân đã có them kiến thức, phát huy được năng khiếu của mình và giúp cho Ban giám thị cùng Hội đồng quản giáo có thêm nhiều sáng kiến trong cải tạo giáo dục phạm nhân.
Đại tá Thông cùng Ban Giám thị trao quà cho các cháu theo mẹ vào trại
Không những quan tâm đến đời sống của phạm nhân, của cán bộ chiến sĩ; đồng chí còn quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng ở các địa phương giáp ranh, 5 năm qua, Trại giam Thủ Đức đã ủng hộ vật tư xây dựng nhà cho 70 hộ đồng bào dân tộc ở xã Tân Hà, phụng dưỡng hai bà mẹ Việt Nam anh hùng ở thị trấn Tân Minh, xây dựng nhiều nhà tình thương tặng các các hộ nghèo... Những việc làm trên thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết giữa trại và nhân dân địa phương.
Có một nhà văn khi đến thăm trại giam Thủ Đức đã dùng một hình tượng văn học rất ý nghĩa để nói về những cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý phạm nhân nơi đây là “những người trả nắng về tim”. Hình ảnh đầy ẩn dụ ấy nói về việc tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù của những người từng có thời gian thụ án tại trại giam này, những người đã biết đứng lên làm lại từ sau lỗi lầm, sau những tháng ngày cải tạo. Ở họ, không còn những mặc cảm, tự tin vì đã từng là tội phạm.
Đối với những người như đại tá Trần Hữu Thông, liệu có gì xúc động và tự hào hơn khi những phạm nhân từng thụ án tại đây, khi mãn hạn ra đời trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội? Với ông, không có lời cảm ơn nào, món quà nào ý nghĩa hơn thế. Đồng thời, sự cố gắng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của họ là minh chứng giá trị nhất để khẳng định chủ trương hết sức nhân văn của Bộ Công an và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng, thực hiện các phong trào giúp đỡ người thi hành xong án phạt tù về hòa nhập cộng đồng.
Là người đứng đầu đơn vị, đại tá Trần Hữu Thông rất tâm đắc với câu nói “Hành động gương mẫu của người lãnh đạo chỉ huy là mệnh lệnh không lời đối với cán bộ, chiến sĩ”. Chính vì thế, ông luôn tự ý thức trau dồi năng lực và phẩm chất đạo đức để làm gương cho tập thể, tạo nên một phong trào học tập, nâng cao trình độ sôi nổi trong toàn đơn vị. Hơn 1.200 cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Trại giam Thủ Đức đã luôn đoàn kết thi đua để xây dựng đơn vị liên tục nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” và “Đơn vị quyết thắng” trong lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Đặc biệt, năm 2009, Trại giam Thủ Đức còn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Tất cả những thành tích ấy, đã góp phần đưa trại giam Thủ Đức trở thành lá cờ đầu phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc và an toàn trong trại giam”.
Vậy là từ rừng thiêng nước độc, đất đai cằn cỗi với biết bao nguy cơ tiềm ẩn, thách thức con người năm xưa, bằng sức lao động sáng tạo không ngơi nghỉ, đại tá Thông cùng với đồng nghiệp của mình đã tạo nên cho nó một diện mạo mới. Những rừng lá tối trời nhường chỗ cho bạt ngàn cao su, hồ tiêu. Cả khoảng đồi khô khát xưa kia chỉ mọc toàn loại cây cho trái độc, giờ đã mướt mát xanh các loại cây lương thực, bừng nở những đầm sen thơm ngát. Còn đối với đại tá Trần Hữu Thông, hơn ai hết, ông mong muốn mỗi phạm nhân đang thi hành án trong trại giam Thủ Đức sẽ như những đóa sen kia, vươn lên từ bùn lầy để mang lại vẻ đẹp và hương hoa cho đời.