Tây Ninh tăng cường bảo vệ vững chắc vùng biên
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Tây Ninh, các Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn đã tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên.
Hiện thực hoá chủ trương của tỉnh
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã ký, ban hành văn bản số 825/UBND-NC về việc tăng cường các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, kéo giảm tội phạm lợi dụng đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở để móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới Campuchia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng được tỉnh giao nhiệm vụ tăng cường lực lượng, kiểm soát người, phương tiện ra vào, cư trú, hoạt động ở khu vực biên giới. Chủ động mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, trong đó tập trung chủ yếu phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vận chuyển hàng cấm, tổ chức đưa người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép...
Đại tá Lê Văn Vỹ - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Cạnh đó, chỉ đạo các Đồn Biên phòng làm tốt công tác phối hợp Cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân ở trên địa bàn quản lý về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, tội phạm liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới, từ đó không tham gia tiếp tay cho phạm tội, vi phạm pháp luật.
Xây dựng các kế hoạch cao điểm, kế hoạch nghiệp vụ trong đấu tranh, phòng chống với các loại tội phạm. Tăng cường lực lượng của Phòng Phòng chống ma tuý & tội phạm trên các hướng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm để phối hợp với các Đồn Biên phòng và lực lượng chức năng của địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hoạt động của tội phạm ma túy, buôn lậu, các đối tượng tổ chức đưa dẫn, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.
Tổ chức ký kết 2 kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, xuất nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Vừa qua, ngày 6/9/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức Hội đàm công tác phối hợp bảo vệ biên giới năm 2023 với ba lực lượng công an, quân sự và Hiến binh của ba tỉnh biên giới tiếp giáp là Svây Riêng, Prây Veng và Tbong Khmun của Vương quốc Campuchia.
7 nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo an ninh biên giới
Phát huy những kết quả đã đạt được, BĐBP tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh biên giới trong thời gian tới.
Một, tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các văn bản, quy chế công tác phối hợp với các lực lượng chức năng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm.
Hai, tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”. Các lực lượng, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ An ninh Tổ quốc; thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ.
Ba, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng giải quyết tốt các yêu cầu trong công tác nghiệp vụ cơ bản; các hoạt động điều tra xử lý tội phạm, điều tra mở rộng vụ án; các hoạt động bổ trợ, hỗ trợ tư pháp, giám định, hồ sơ nghiệp vụ; quản lý hành chính, bảo vệ biên giới… ở địa bàn biên giới, cửa khẩu. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp để duy trì, củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, nhất là trong việc tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, phối hợp hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của mỗi lực lượng.
Bốn, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm. Tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm.
Năm, làm tốt công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bảo vệ nội bộ, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, bị tội phạm lôi kéo, “bảo kê” cho các loại tội phạm… làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong toàn quốc nói chung và khu vực biên giới, cửa khẩu.
Sáu, thường xuyên phối hợp sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm tuyến biên giới để rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót nhằm hoàn thiện nâng cao hiệu quả công tác.
Bảy, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của Campuchia trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững…