Đề nghị kiểm điểm nhiều tập thể, cá nhân ngành giáo dục TP.HCM
Thanh tra TP.HCM mới đây có thông báo kết luận số 153/TB-TTTP-P3 về thanh tra trách nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, khiếu nại, tố cáo; thanh tra về việc quản lý và sử dụng tài chính tại Sở GD&ĐT.
Theo đó, về công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, Sở GD&ĐT TP.HCM không giao dự toán trên cơ sở phương án thu chi ngân sách theo quy định.
Dự toán quỹ tiền lương tại Văn phòng sở và các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện giảm chi dự toán đối với số lượng biên chế giảm do tinh giản biên chế và nghỉ việc của các đơn vị là chưa phù hợp theo quy định.
Dự toán chi thường xuyên năm 2021, năm 2022 của các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu học phí tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa giảm thêm tối thiểu 5%-10% so với dự toán năm 2020, năm 2021 khoản chi hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu học phí tăng theo lộ trình tăng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Về công tác công khai tài chính, Thanh tra TP.HCM xác định, Sở GD&ĐT còn hạn chế, thiếu sót trong theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp việc công khai tài chính tại sở và các đơn vị trực thuộc.
Việc này dẫn đến vẫn còn nhiều đơn vị chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ công khai tài chính đúng theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 và Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính, Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT và Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Sở GD&ĐT chưa xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật đối với các ngành đào tạo, các dịch vụ giáo dục đào tạo do Nhà nước tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định khoản 1, Điều 11, Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của GD&ĐT.
Đối với khoản thu hộ, chi hộ (điện, nước uống, đề thi giấy thi, phục vụ thi nghề, văn bằng tốt nghiệp) các đơn vị chưa bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi (vẫn còn tồn số dư bên nợ, không tất toán cho từng năm học mà tiếp tục thu qua các năm). Việc công khai kế hoạch, tình hình quản lý thu, chi đối với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ vẫn chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định.
Sở GD&ĐT chưa hướng dẫn xử lý đối với khoản thu hộ, chi hộ hơn 590 triệu đồng từ hoạt động của trung tâm văn hóa ngoài giờ để dạy thêm cho học sinh tại Trường Trung học phổ thông Củ Chi.
Liên quan đến các khoản tài trợ, viện trợ, Sở chưa cập nhật kịp thời số liệu phát sinh trong việc theo dõi, quản lý, thống kê, tổng hợp tình hình tiếp nhận tài trợ, viện trợ tại các đơn vị trực thuộc. Qua thực tế 5/7 đơn vị được kiểm tra ngẫu nhiên thực hiện chưa đầy đủ, đúng theo Thông tư số 16/2018, vẫn còn một số trường nhận uỷ quyền từ Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu, quản lý, sử dụng quỹ phụ huynh học sinh như đã nêu.
Sở GD&ĐT không có ý kiến bằng văn bản thể hiện chính kiến đối với các đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị trực thuộc là thực hiện chưa đúng chỉ đạo của UBND TP.
Trong thời gian chờ phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công, 7 trường được kiểm tra trong năm 2021, 2022 có thực hiện việc ký kết các hợp đồng, phụ lục gia hạn hợp đồng cho thuê, liên kết chưa thông qua đấu thầu, đấu giá hoặc có thông qua đấu giá nhưng hết thời gian năm học không tổ chức đấu giá lại mà tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Việc tiếp nhận, quản lý sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ, Sở GD&ĐT thành phố chưa cập nhật kịp thời số liệu phát sinh trong việc theo dõi, thống kê. Qua thực tế có 5/7 đơn vị được kiểm tra ngẫu nhiên thực hiện chưa đầy đủ, đúng theo quy định. Áp dụng chưa đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT, dẫn đến vẫn còn một số trường nhận ủy quyền từ ban đại diện cha mẹ học sinh để thu, quản lý, sử dụng quỹ phụ huynh học sinh...
Với những sai phạm trên, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo Sở GD&ĐT, các phòng, ban, hiệu trưởng các đơn vị được kiểm tra và các tập thể, cá nhân có liên quan đến nội dung kết luận thanh tra theo thẩm quyền quản lý; đề ra hướng khắc phục, chấn chỉnh đối với những thiếu sót, vi phạm đã nêu trong kết luận.