Nigeria: Khủng hoảng bắt cóc ngày càng gia tăng
Từ tháng 7/ 2022 đến tháng 6/2023, 3.620 người đã bị bắt cóc trong 582 vụ việc trên khắp đất nước Nigeria. Bắt cóc, hành hung đòi tiền chuộc là nỗi ám ảnh ngày càng gia tăng với người dân ở quốc gia Tây Phi vốn đã có cuộc sống khó khăn này.
Chuyện xảy ra hàng ngày
Vào lúc 18h ngày 7/8, Ada Chukwu, một thợ may tập sự ở Apo, một quận ở thủ đô Abuja của Nigeria, thu dọn đồ đạc và đi bộ ra đường chính vẫy một chiếc taxi chung để đưa cô về nhà. Đi được vài phút, một hành khách khác chĩa súng vào mặt cô, dọa giết nếu cô không hợp tác. Cô Chukwu bị đưa đến một máy rút tiền và buộc phải rút sạch tài khoản của mình.
Những kẻ bắt cóc sau đó bắt cô gọi điện cho mẹ, đòi 500.000 naira (649 USD) để tha mạng. “Họ rút tiền ngay lập tức rồi bảo tôi lên xe. Tôi không biết mình đã ngất đi như thế nào nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trong một túp lều”, cô Chukwu, 22 tuổi, nói với phóng viên. “Họ gọi cho bố tôi và nói với ông rằng ông sẽ phải trả thêm hai triệu naira (2.595 USD) để tôi được thả. Họ bảo ông ấy không được gọi cảnh sát nếu không sẽ giết tôi”.
Vào ngày thứ hai, cô bị bọn bắt cóc hành hung để gây sức ép đòi tiền chuộc. Cha cô đã thương lượng giảm 400.000 Naira (519,14 USD) tiền chuộc và sẽ trả vào ngày thứ ba kể từ khi cô bị bắt cóc. Nhưng sau khi số tiền được trả, những kẻ bắt có lại giữ cô thêm hai ngày nữa.
Tin tức về các vụ bắt cóc tràn lan trên các làn sóng truyền hình và nền tảng mạng xã hội ở Nigeria. Những tên cướp có vũ trang, đòi tiền chuộc tống tiền trước khi thả nạn nhân. Những kẻ bắt giữ thường xuyên tra tấn, đánh đập và bỏ đói nạn nhân cho đến khi người thân của họ, những người trong hầu hết các trường hợp phải quyên góp hoặc bán tài sản mới có thể trả tiền. Tháng 12 năm ngoái, Esther, người sử dụng tên giả vì sợ bị trả thù, đang đi từ Lokoja, ở phía Tây đất nước, đến Warri ở phía Nam bằng ô tô thì cô và sáu hành khách khác bị bắt cóc. Họ bị giam trong 5 ngày, bị đánh đập hàng ngày cho đến khi mỗi gia đình có thể vay mượn được 1 triệu naira (1.297 USD) làm tiền chuộc. “Chúng tôi đã trải qua đêm đầu tiên ngoài trời mưa. Sáng hôm sau, họ bắt đầu đánh đập chúng tôi”, Esther nói. Họ không được cho ăn và phải uống nước bẩn.
Theo SBM Intelligence, một công ty nghiên cứu phân tích địa chính trị có trụ sở tại Lagos, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, 3.620 người đã bị bắt cóc trong 582 vụ bắt cóc trên khắp Nigeria, với số tiền chuộc lên tới 302 triệu naira (387.179 USD). Vào tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế báo cáo rằng, 25.000 người mất tích ở Nigeria, trong đó có hơn 14.000 trẻ em.
Bầu không khí sợ hãi ở Nigeria
Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng số vụ bắt cóc chủ yếu là do thiếu an ninh, thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng. Theo Confidence McHarry, nhà phân tích an ninh tại SBM Intelligence, nạn bắt cóc cũng có thể là do thiếu sự đầu tư xã hội vào giới trẻ nước này. “Việc trộm cắp đã khiến nhiều thanh niên rơi vào cảnh nghèo đói và thất nghiệp, vì vậy họ phải tìm kiếm những phương tiện sinh tồn khác”, ông McHarry nói.
Mặc dù chính quyền đã đảm bảo với đất nước rằng họ đang hạn chế các vụ bắt cóc, nhưng hoạt động tội phạm vẫn tiếp tục. Isa Sanusi, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Nigeria cho biết, hơn 24 sinh viên đại học đã bị bắt cóc ở Zamfara vào ngày 22/9 là một minh chứng cho thấy sự thất bại của những nỗ lực ngăn chặn nạn bắt cóc. Hàng chục nữ sinh viên sau đó đã được trả tự do. Đại học Liên bang Gusau cho biết vào thời điểm đó, vụ tấn công đã gây căng thẳng tại trường và sinh viên lo lắng cho sự an toàn của họ.
Ông Sanusi nói: “Các nhà chức trách phải tiến hành điều tra về những sai sót an ninh không thể tha thứ được đã dẫn đến vụ bắt cóc hàng chục sinh viên tại Đại học Liên bang Gusau”. Ông nói, người dân ở các vùng nông thôn sống trong sợ hãi và “lo lắng cho đợt bắt cóc tiếp theo”. Ông Sanusi kết luận: “Bất kỳ biện pháp nào mà chính quyền đưa ra để giải quyết vấn đề đều không hiệu quả”.
Ông McHarry cho rằng việc trả tiền chuộc sẽ khuyến khích bọn tội phạm bắt cóc và sẽ làm nghèo thêm nhiều người mà thu nhập của họ hầu như không đáp ứng được nhu cầu của họ. “Bạn có một nền kinh tế chính đang suy thoái và một nền kinh tế ngầm đang phát triển mạnh… thành công của nền kinh tế này đồng nghĩa với sự thất bại của nền kinh tế kia. Đó là một trò chơi có tổng bằng 0, trong đó một bên thắng và bên kia chắc chắn thua”, ông nói.
Để giảm số vụ bắt cóc, ông McHarry cho biết Chính phủ phải nỗ lực nghiêm túc để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và cho đến khi những nhu cầu cơ bản như việc làm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe được cung cấp, sẽ có nhiều người bị lôi kéo vào nền kinh tế ngầm này.
Rất lâu sau khi được giải thoát, những người sống sót vẫn tiếp tục phải chịu đựng những trải nghiệm đau đớn do bị bắt cóc. Một số phải vật lộn suốt quãng đời còn lại. Ở Abuja, cô Chukwu không muốn rời khỏi phòng và từ chối giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình. Cô nói chuyện với bác sĩ trị liệu mỗi tuần một lần để giúp cô giải quyết vết thương lòng, nhưng ký ức về những gì đã xảy ra vẫn còn đọng lại. “Tôi vẫn không thể tin được tất cả những gì đã xảy ra”, cô nói. “Tôi hy vọng những người này sẽ bị bắt”.
Sau khi Chukwu trở về nhà, cô phát hiện ra rằng việc mình bị bắt cóc đã khiến tình trạng huyết áp cao của mẹ cô trở nên trầm trọng hơn. Một tuần sau, mẹ cô qua đời. “Kể từ đó tôi không còn là chính mình nữa, tôi thậm chí không đi ra ngoài hay nói chuyện với hầu hết mọi người nữa. Tôi sẽ không bao giờ có thể quay lại với con người cũ của mình”, cô Chukwu nói.
Ông Sanusi cho biết, các nạn nhân cần được "đưa trở lại nơi an toàn và họ phải được cung cấp dịch vụ chăm sóc tâm lý xã hội tiêu chuẩn để giúp phục hồi sau những hành động tàn bạo mà họ phải chịu", ông Sanusi nói và cho biết thêm rằng, có quá nhiều vụ việc không được báo cáo.