Cần Thơ: Đất xây dựng Trung tâm hành chính bị chiếm dụng, cho thuê trái phép
Khu đất được quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính (TTHC) mới TP Cần Thơ tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, dù đã cơ bản thực hiện xong công tác bồi thường, tái định cư nhưng tại khu đất này đang xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê trái phép.
Phường nắm rõ sai phạm nhưng Chủ tịch UBND quận không nắm được
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại khu đất được quy hoạch xây dựng TTHC, trường hợp lấn chiếm đất công “khủng” được phát hiện là tại khu vực rạch Bà Sảnh, tổ 73, khu vực 10, phường Hưng Phú.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú cho biết, từ năm 2019, phường đã phát hiện hộ dân này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật: lấn chiếm đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở), xây dựng không phép tại khu vực rạch Bà Sảnh, tổ 73, khu vực 10, phường Hưng Phú.
Khu đất lấn chiếm đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, thuộc dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô, TTHC, đã được cơ quan chức năng thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và ban hành Quyết định số 260/QĐ-XPVPHC ngày 29/8/2019; Quyết định số 4674/QĐ ngày 8/11/2019, về xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 19 triệu đồng; buộc hộ dân này phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, cho đến nay hộ dân này vẫn chưa thi hành 2 quyết định trên.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú, ngay từ đầu năm 2021, phường cũng đã nhận được ý kiến phản ánh của các hộ dân xung quanh về việc có hành vi lấn chiếm, san lấp, xây dựng trên cả phần đất mà các hộ dân vừa giao trả mặt bằng cho dự án TTHC.
“Ngay khi nhận được thông tin này, trong ngày 12/01/2021, phường đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn cấp trên, hỗ trợ phường xác định diện tích mà hộ dân này đã lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Liên tục trong năm 2021, 2022, phường đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn nhiều lần kiểm tra tại khu đất này, qua đó đã xác định hộ này đã ngang nhiên lấn chiếm hơn 21.756 m2 đất của 14 hộ dân vừa giao trả mặt bằng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Cần Thơ. Trong đó có 10.496,5 m2 đã được cá nhân này cho xây dựng nhà kho, phòng trọ, nhà giữ xe để cho thuê; hơn 11.000 m2 còn lại đã san lấp mặt bằng, chờ cho thuê.
Điều đáng nói là trong các lần kiểm tra, đo đạc, chúng tôi đều có gửi thông báo cho người vi phạm nhưng người này cố tình né tránh, gọi điện thoại cũng không nghe máy”, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú thông tin.
Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú cũng cho biết thêm, phường đã nhiều lần kiến nghị UBND quận Cái Răng có "biện pháp mạnh" đối với người vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo quận cho biết đang xin ý kiến của Sở Tư pháp về quy trình xử lý, cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Chủ tịch UBND quận Cái Răng Nguyễn Quốc Cường cho biết, ông chưa nắm được tình trạng lấn chiếm tại TTHC.
“Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô, TTHC là do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ thực hiện, chứ không phải do địa phương”, ông Cường khẳng định.
Dư luận hoài nghi: Vì sao khu đất công hàng chục ngàn m2 bị lấn chiếm, xây dựng, cho thuê trái phép trong thời gian dài nhưng lãnh đạo quận không nắm được?
Theo các hộ kinh doanh đang thuê nhà kho tại khu đất bị lấn chiếm cho hay, giá cho thuê bình quân khoảng 3 triệu đồng/100m2/tháng. Như vậy, chỉ tính riêng phần cho thuê kho hàng tháng hộ dân vi phạm cũng đã thu lợi hàng trăm triệu đồng, đó là chưa tính đến cho thuê bãi giữ xe, kinh doanh ăn uống, nhà trọ…
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại khu đất xây dựng TTHC còn có nhiều trường hợp lấn chiếm sử dụng đất công trái phép khác.
Theo bà Lâm Ngọc Hân, Phó trưởng khu vực 10, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, khu đất được quy hoạch xây dựng TTHC nằm trọn trong khu vực 10 với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bồi thường, tái định cư giai đoạn 1 đã được thực hiện cơ bản, chỉ còn một số ít hộ chưa chịu nhận bồi thường.
“Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là có nhiều hộ mặc dù đã nhận chính sách bồi thường nhưng vẫn bám trụ; một số hộ khác dù đã di dời nhưng vẫn cho thuê nhà cũ, xây cất trái phép để kinh doanh. Điều đáng nói là có một vài đảng viên trong khu vực cũng chưa gương mẫu chấp hành giao mặt bằng”, bà Hân phản ánh.
Theo ông Nguyễn Văn Đựng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu vực 10, phường Hưng Phú cho hay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng TTHC đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Hầu hết hộ dân bi ảnh hưởng bởi dự án đã nhận chính sách bồi thường. Tuy nhiên, do dự án này kéo dài khá lâu và chưa biết khi nào bắt đầu thực hiện nên người dân có tâm lý “mượn xài tạm” khi dự án triển khai sẽ trả lại.
“Cán bộ khu vực cũng đã phối hợp cùng cán bộ phường đến kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các hộ dân phải cam kết không được xây cất trái phép, tái lấn chiếm đất dự án và vận động người dân sớm di dời, trả lại mặt bằng cho dự án”, ông Đựng cho biết.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ cho biết, Trung tâm được UBND TP Cần Thơ giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô - giai đoạn 1 (trong đó có một phần được quy hoạch xây dựng TTHC TP Cần Thơ).
Dự án TTHC có tổng diện tích hơn 17,2 ha với 225 hộ bị ảnh hưởng, trong đó: Giai đoạn 1 có diện tích 14,17 ha; đã giải phóng mặt bằng 9,47 ha, còn lại khoảng 25 hộ tương đương diện tích khoảng 4,7 ha.
Giai đoạn 2: có diện tích 3,11 ha; đã giải phóng mặt bằng 1,22 ha, còn lại khoảng 28 hộ tương đương diện tích khoảng 1,89 ha.
Đối với tình trạng tái lấn chiếm, vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã có văn bản gửi đến UBND phường Hưng Phú (Công văn số 3608/TTPTQĐ-BT&GPMB ngày 25/9/2023) về việc phối hợp cùng UBND quận Cái Răng, UBND phường Hưng Phú tiến hành rà soát, kiểm tra xử lý đối với các trường hợp xây dựng trái phép, không phép trên phần đất đã có thông báo thu hồi đất.
Bao giờ TTHC mới ra đời?
Vào tháng 10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP Cần Thơ đầu tư xây dựng Khu phức hợp Hành chính - Thương mại. Đầu năm 2012, UBND TP Cần Thơ đã thông qua quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu TTHC tập trung.
Theo đó TTHC TP Cần Thơ có tổng diện tích gần 12 ha nằm giữa các trục đường Nguyễn Trãi, Võ Thị Sáu, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hòa Bình.
Khu TTHC TP Cần Thơ gồm 3 tòa cao ốc, là nơi làm việc của 17 sở, ban ngành với khoảng 900 cán bộ, công nhân viên chức làm việc. Dự án do Tập đoàn Thái - Ý đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), dự kiến hoàn thành sau 4 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau đó do có sự thay đổi về chính sách đầu tư theo hình thức BT nên dự án này bị dừng lại.
Vào tháng 3/2015, UBND TP Cần Thơ tiếp tục thông báo ý tưởng xây TTHC với tổng kinh phí lên đến 2.000 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn bán đấu giá các trụ sở cũ. Nơi dự kiến xây dựng TTHC là khu đất 11 ha nằm trong dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô rộng 116 ha (quận Cái Răng). TTHC tập trung dự kiến được xây dựng 22 tầng bao gồm khu nhà làm việc UBND, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, nơi làm việc của 20 sở, ngành của thành phố và khu trung tâm hội nghị.
Ngay sau đó, UBND TP Cần Thơ đã phát động cuộc thi ý tưởng kiến trúc TTHC, Công ty Gansam Architects & Partners (Hàn Quốc) đã đoạt được giải nhất cuộc thi này.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trước đây theo thiết kế TTHC là công trình cao tầng, nằm trong Trung tâm Văn hóa Tây Đô. Tuy nhiên, sau khi xem xét nguồn lực và các yếu tố khác cũng như qua tham khảo việc đầu tư công trình cao tầng TTHC tại Đà Nẵng, Bình Dương cho thấy mô hình này còn tồn tại một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Do vậy, chủ trương hiện nay của UBND TP Cần Thơ là xây dựng TTHC thành phố theo phương án kiến trúc thấp tầng và phân tán nằm trong khu vực Trung tâm Văn hóa Tây Đô.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, vào cuối tháng 4/2023, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Ðô, (Quyết định số 1074/QÐ-UBND).
Theo đó, Trung tâm Văn hóa Tây Ðô có diện tích khoảng 69,37ha, vị trí tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng; phía Bắc và phía Tây giáp sông Cần Thơ, phía Ðông giáp đường Quang Trung, phía Nam giáp tim đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ sông Cần Thơ đến nút giao IC3).
Tính chất khu vực lập quy hoạch là khu hành chính tập trung TP Cần Thơ và Trung tâm Văn hóa Tây Ðô, bao gồm: hệ thống công sở cấp thành phố; trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, các công trình văn hóa, công trình dịch vụ - thương mại gắn với hoạt động khu hành chính - văn hóa, không gian công cộng đô thị, đầu mối giao thông công cộng đô thị.
Khu hành chính tập trung bố trí khoảng 21 trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành thành phố; đảm bảo tính liên hoàn, sự phối hợp thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ; kết nối hạ tầng, phù hợp giải pháp quản lý tài sản công của từng cơ quan, đơn vị theo quy định pháp luật hiện hành…
UBND TP Cần Thơ cũng giao Sở Xây dựng quản lý theo Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Ðô. Sở Xây dựng Cần Thơ cũng đã phối hợp cùng với quận Cái Răng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch.
“Hiện nay Sở Xây dựng đang chuẩn bị triển khai thi tuyển kiến trúc trụ sở UBND thành phố; nhằm đảm bảo sự đồng bộ về mặt kiến trúc giữa trụ sở UBND thành phố, khối làm việc của các cơ quan chuyên môn, ban ngành thành phố nói riêng, cũng như toàn khu hành chính nói chung. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành thi tuyển kiến trúc, qua năm 2024 phê duyệt dự án và có thể triển khai xây dựng trong năm 2025”, ông Toàn cho biết.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ Lê Minh Cường cho hay, Ban được UBND TP Cần Thơ giao triển khai lập dự án đầu tư khu TTHC mới tại quận Cái Răng. Ban đang thực hiện các bước thu thập dữ liệu thông tin đầu vào và cũng đang chờ kết quả thi tuyển kiến trúc để hoàn chỉnh lập dự án đề xuất xây dựng TTHC mới TP Cần Thơ.