Cần coi thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng là tình huống cấp bách
Liên quan tới tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng đây là tình huống cấp bách cần được đặc biệt quan tâm.
Ngày 2/11, phát biểu trong phiên thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025…, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đã đề cập giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế về các nội dung liên quan đến việc mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đại biểu cho rằng, thiếu vaccine là một vấn đề rất nghiêm trọng, tại Hà Nội, đến tháng 11/2023, có 5/10 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: vaccine sởi đơn, bạch hầu - ho gà - uốn ván, lao, viêm gan B, bại liệt dạng tiêm.
"Không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém và khi thiếu vaccine miễn phí thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện khả năng tiếp cận vaccine dịch vụ", đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà khẳng định, vaccine tiêm chủng mở rộng chính là hàng rào bảo vệ cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Bà dẫn chứng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế luôn yêu cầu người dân tham gia tiêm chủng mở rộng phải "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ".
Theo đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất việc thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên được coi là tình huống cấp bách.
"Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù, đặc cách, để mua vaccine ngay nhằm đảm bảo cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch", bà Hà nói.
Trước đó, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Đối với vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, 10 loại vaccine sản xuất trong nước đã được đặt hàng theo quy định.
Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tích cực phối hợp để thẩm duyệt, phê duyệt giá và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023. Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ đã thực hiện xong quy trình đấu thầu và đang chờ kết quả để triển khai thực hiện trong tháng 11.
Trong thời gian chờ mua sắm vaccine theo quy định của Nhà nước, Bộ Y tế đã vận động hỗ trợ gần 30.000 liều vaccine 5 trong 1 cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng. Hiện nay, đang tích cực phối hợp với các tổ chức để bổ sung nguồn vaccine này.