Thí điểm gần 500 lượt tống đạt điện tử, TAND TP.HCM nhận phản hồi tích cực
Từ ngày 1/6/2023 đến nay, TAND TP.HCM đã thực hiện gần 500 lượt tống đạt điện tử cho các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người khởi kiện, nguyên đơn, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phó Chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung đã chia sẻ về kết quả thí điểm “Đề án tống đạt thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP.HCM" trong khuôn khổ Toạ đàm “Cơ sở khoa học pháp lý về phương thức tống đạt bằng phương thức điện tử tại TAND TP.HCM" diễn ra vào sáng 2/11.
Theo Phó Chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung, nhiều năm qua, TAND TP.HCM là đơn vị giải quyết số lượng án lớn nhất cả nước.
Để xét xử, giải quyết các vụ án, Tòa án phải tiến hành thủ tục tống đạt theo Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tống đạt theo phương thức trực tiếp, qua người thứ ba, hoặc niêm yết, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, quy trình tống đạt phức tạp, kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ án, lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc của người dân, mất nhiều công sức của các cơ quan chức năng, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
“TAND TP.HCM có nhiều trăn trở, suy nghĩ về phương thức tống đạt điện tử, mặc dù việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử đã được quy định tại Điều 176, Điều 190, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 105, Điều 119, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016. Tuy nhiên, thực tế, việc tống đạt bằng phương tiện điện tử vẫn chưa được áp dụng trong thực tế mà chỉ mới thực hiện thí điểm”, bà Dung nói.
Theo đó, TAND TP.HCM soạn thảo “Đề án tống đạt thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP.HCM”.
Ngày 12/5/2021, TANDTC đã có Công văn số 63/TANDTC-PC chấp thuận cho TAND TP.HCM xây dựng Đề án nói trên.
Trên cơ sở đó, TAND TP.HCM đã phối hợp với công ty phần mềm viết riêng phần mềm để tống đạt qua email cho TAND TP.HCM. Phương thức tống đạt dựa trên nguyên tắc đương sự phải đồng ý cung cấp cho Tòa án địa chỉ email và số điện thoại. Sau đó, Thẩm phán sẽ sử dụng địa chỉ email của Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cung cấp để tống đạt cho các đương sự.
“Nguyên tắc thực hiện phương thức này là người dân, đương sự, cá nhân, tổ chức phải đồng thuận, tự nguyện”, bà Dung nói.
Từ ngày 1/6/2023 đến nay, TAND TP.HCM đã thực hiện gần 500 lượt tống đạt cho các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người khởi kiện, nguyên đơn, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Trước mắt TAND TP.HCM chỉ tiến hành thí điểm, chưa xem đây là căn cứ pháp lý để tòa án đình chỉ hoặc giải quyết theo thủ tục vắng mặt các vụ án. Hiện TAND TP.HCM đang xin ý kiến TANDTC về tính pháp lý của việc tống đạt điện tử, do đó tọa đàm là một trong những bước đánh giá tính hiệu quả, khả thi của đề án để có cơ sở báo cáo lên TANDTC”, Phó Chánh án Nguyễn Thị Thùy Dung nhấn mạnh.
Toạ đàm cũng được lắng nghe nhiều tham luận “Tống đạt bằng phương thức điện tử trong các vụ án hành chính – Lý luận và thực tiễn” của TS Lê Việt Sơn, “Tống đạt văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong pháp luật tố tụng dân sự, hành chính” của TS Nguyễn Văn Tiến, “Phương thức xác thực của tống đạt bằng phương tiện điện tử - Thực tiễn từ TAND TP.HCM” của TS Sỹ Hồng Nam…
Trong khuôn khổ toạ đàm, các đại biểu đến từ đại diện Vụ Tổng hợp TANDTC, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM... đã có nhiều chia sẻ về cơ sở pháp lý của phương thức tống đạt bằng phương thức điện tử.