Đời sống

Gia Lai: Kiểm tra, xử lý quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Pháp y

Trần Sỹ 02/11/2023 07:54

Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã thừa lệnh của Chủ tịch UBND ký Văn bản chỉ đạo số 2969/UBND-NC về việc giao kiểm tra, xử lý Quyết định số 739/QĐ-SYT bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Pháp y khi chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y.

Cụ thể, văn bản nêu rõ, sau khi báo chí đưa tin phản ánh liên quan đến nội dung bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Pháp y chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y tại Quyết định số 739/QĐ-SYT ngày 25/9/2023 của Sở Y tế về việc điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Pháp y. Qua xem xét, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu Quyết định số 739/QĐ-SYT nêu trên; khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn Sở Y tế xử lý Quyết định số 739/QĐ-SYT đã ban hành đảm bảo đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

anh-1.-thong-tin-tiep-bo-nhiem(1).jpg
Luật sư Ngô Thanh Quảng cho biết, hoạt động giám định pháp y có liên quan và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Báo Công lý, Luật sư Ngô Thanh Quảng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phát, Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai) cho biết:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp và Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013, thì Giám định viên tư pháp do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp.

Trong hoạt động chuyên môn về công tác giám định, thì các Kết luận giám định phải được Giám đốc, Phó Giám đốc trung tâm giám định ký tên và đóng dấu của Trung tâm mới có giá trị pháp lý. Hoạt động giám định pháp y có liên quan và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

“Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng bổ sung, kiện toàn nhân sự, bộ máy tổ chức, để Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh có thể thực hiện tốt công tác giám định mà không gây ách tắc, trở ngại cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và công dân”, Luật sư Quảng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo nguồn tin riêng của Báo Công lý, tính từ lúc Sở Y tế điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ giữ chức Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai đến nay, có hơn 25 hồ sơ đã được giám định viên pháp y giám định, nhưng chưa được Giám đốc ký kết luận. Ngoài ra, trong mấy ngày trở lại đây, Trung tâm này cũng không tiếp nhận các hồ sơ đề nghị giám định.

Trước đó, như Báo Công lý đã có nhiều bài phản ánh, ngày 25/9/2023, ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai đã ký Quyết định số 739/QĐ-SYT điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Chỉ (Bác sĩ chuyên khoa I Răng-Hàm-Mặt, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ), làm Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh. Ông Chỉ đến nay chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y.

Phó Giám đốc Sở Y tế ông Lý Minh Thái cho biết, vì nhu cầu công tác cán bộ, của ngành Y tế nên buộc phải có người đứng đầu để làm việc (lãnh đạo). Về tiêu chuẩn giám định viên thì sẽ nhanh chóng củng cố để ông Chỉ đủ điều kiện.

anh-2.-thong-tin-tiep-bo-nhiem.jpg
Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai

Còn ông Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, việc thiếu chứng chỉ pháp y, đúng ra khi bổ nhiệm, Sở Y tế phải lường trước được chuyện này. Đây là quy định của bên ngành Y tế, Sở Nội vụ chỉ kiểm tra các vấn đề bằng cấp, về chính trị... Bản thân ông Tiến cũng biết, việc ông Chỉ thiếu chứng chỉ pháp y, nhưng khi trao đổi với Sở Y tế thì nhận được câu “trước mắt thì cũng có thể bổ nhiệm được”.

Người đứng đầu Sở Nội vụ cũng đã chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ các văn bản và sẽ làm việc với Sở Y tế để có hướng khắc phục việc này.

Như vậy, Quyết định số 739/QĐ-SYT ngày 25/9/2023 của Sở Y tế Gia Lai về việc điều động, bổ nhiệm một Bác sĩ chuyên khoa I, khi chưa có chứng chỉ giám định viên pháp y có đúng các quy định của pháp luật hay không, trong khi tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và Biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp thể hiện rõ, Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định phải là giám định viên tư pháp.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 208. Thời hạn giám định

1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:

a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;

b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;

c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.

2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.

3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định...

Trần Sỹ