Thượng tọa hơn 25 năm cưu mang, lo cho sinh viên nghèo hiếu học
Chùa Pitu Khôsa Răngsây (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có kiến trúc rất độc đáo và mang đậm bản sắc Phật giáo của đồng bào Khmer. Nơi đây cũng là “ngôi nhà chung” của hàng ngàn sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm qua và rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đã thành đạt, trở thành giám đốc doanh nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ, du học ở nước ngoài.
Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì Chùa Pitu Khôsa Răngsây được nhiều người biết đến bởi lòng nhân ái và sự chăm lo của ông cho những sinh viên là người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây không chỉ là điểm đến tâm linh của đông đảo phật tử gần xa, mà còn là nơi nuôi dưỡng, chấp cánh cho những ước mơ của nhiều thế hệ sinh viên con em người dân tộc Khmer.
Thượng tọa Lý Hùng cho biết, từ năm 1996 đến nay, đã có hơn 1.000 sinh viên ở trong Chùa, được Nhà chùa chăm lo chỗ ở, sinh hoạt, ăn uống đã ra trường và lập nghiệp. Trong đó, rất nhiều người trở thành giám đốc, hay học lên thạc sĩ, tiến sĩ, du học ở nước ngoài...
Lúc đầu, do điều kiện khó khăn nên Chùa chỉ hỗ trợ vài sinh viên. Sau đó, Nhà chùa và Thượng tọa Lý Hùng vận động được nguồn kinh phí nên đã cưu mang hàng chục em sinh viên, có lúc lên đến 60 sinh viên.
Các sinh viên sống trong Chùa đều hoàn toàn miễn phí: điện, nước, ăn uống, sinh hoạt... Sinh viên nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, Nhà chùa trao tặng học bổng; sinh viên nào không có xe thì tặng xe đạp. Bản thân cha mẹ các em rất mừng khi thấy con mình có nơi giúp đỡ, bớt được nỗi lo trong cuộc sống.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại TP Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng trải qua nhiều cơ cực, vất vả. Lúc còn nhỏ, ông làm nhiều việc để kiếm tiền lo cho việc ăn học như: lượm ve chai, mò cua, bắt ốc…
Với niềm tin và nỗ lực không ngừng học hỏi, ông đã vượt lên mọi khó khăn, khát vọng “lập thân” giúp đời. Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại Chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Ông luôn tâm niệm đạo cũng là đời, đời cũng như đạo, có tính chất song hành mà người tu sĩ phải học và ghi nhớ.
Qua những năm tháng xuất gia, Thượng tọa Lý Hùng dành hết tâm trí chuyên tâm vào tu học. Hiện ông là Tiến sĩ Tôn giáo học và có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ như: Khmer, Anh, Trung Quốc, Bali…
"Trải qua khoảng thời gian nghèo khó, phải làm đủ việc để nuôi con chữ, tôi rèn luyện cho bản thân phải miệt mài học tập để có trình độ, kiến thức, giúp đời, giúp người”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Hiện Chùa Pitu Khôsa Răngsây có hơn 20 em sinh viên đang theo học tại các trường trên địa bàn TP Cần Thơ. Các em sinh viên ở Chùa rất siêng năng và lễ phép, nhờ vậy, dù có đông sinh viên đến ở, nhưng Chùa vẫn giữ được nền nếp thanh tịnh nơi cửa Phật. Nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn, ở để các em có điều kiện học tập, theo đuổi ước mơ.
Theo phong tục của người dân tộc Khmer, các thanh niên khi trưởng thành phải xuất gia vào Chùa tu để báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, các em đi học cao đẳng, đại học nên không xuất gia, bởi vậy khi các em sống trong Chùa được các sư dạy sinh hoạt, lễ nghi, truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Thượng tọa Lý Hùng kỳ vọng, sau khi các em học thành tài sẽ trở về quê hương, gắn bó phụng sự cho Nhân dân ở những miền quê còn nhiều khó khăn. Niềm vui của ông là khi được thấy các em tìm được công việc như các em hằng mơ ước.
“26 năm qua, bản thân tôi luôn cưu mang, giúp đỡ trong tâm thiện nguyện của mình, nhằm để hỗ trợ một phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực con em đồng bào dân tộc Khmer để các em có được cái chữ, cái nghề, để sau này các em trở về quê hương, làm giàu cho quê hương, phục vụ quê hương. Có những em sau khi ra trường xin việc làm không được, tôi cũng làm công tác tư vấn cũng như vai trò kết nối giữa chính quyền địa phương nơi đó, tạo điều kiện đến chính sách dân tộc để chăm lo cho các em có được cái ngành nghề”, Thượng tọa Lý Hùng tâm sự.
Để tiện bề dạy dỗ, khi các em vào Chùa ở phải được sự đồng ý của gia đình. Nhà chùa không nhận sinh viên có đạo đức kém, tránh việc ảnh hưởng đến Nhà chùa cũng như quá trình học tập của các em khác. Nhà chùa đã vận động phật tử, các nhà hảo tâm góp gạo, nhu yếu phẩm, tiền để xây cất nhiều căn nhà tình thương, học bổng cho các em học sinh nghèo.
Ngoài việc nhận nuôi các em sinh viên, Thượng tọa Lý Hùng còn làm công tác chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Hiện có 21 em lưu học sinh Campuchia đang học tại các trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.
Em Sơn Thành Lộc (quê ở Sóc Trăng, sinh viên năm thứ 2, ngành cơ khí, Trường Đại học Cần Thơ), chia sẻ: Những ngày đầu lên TP Cần Thơ, bản thân em còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, thiếu tự tin. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên em không dám nghĩ rằng mình được bước tiếp trên con đường đại học như hôm nay. Qua người quen giới thiệu, em được biết Thượng tọa Lý Hùng, một sư thầy đã cưu mang giúp đỡ nhiều bạn sinh viên cùng hoàn cảnh như em nên em đã tìm đến xin được cưu mang.
"Nơi đây em không chỉ được ăn, ở miễn phí, mà còn được sư thầy chỉ dạy tận tình cả về đạo lý, vốn sống và được trau dồi thêm tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Nay em cảm thấy vững tin hơn, em như đang được ở trong ngôi nhà của mình”, em Sơn Thành Lộc tâm sự.
Em Lai Tấn Lực (sinh viên năm nhất của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) cho biết, ở trong Chùa, em không tốn bất cứ phí nào. Sống trong Chùa rất yên tĩnh, nên phù hợp cho việc học tập. Em không phải lo chuyện ăn ở, chỉ tập trung vào việc học hành. Gia đình em rất khó khăn, nhưng với mong muốn thông qua con đường học tập, em hy vọng sẽ tìm kiếm được một công việc ổn định để có cuộc sống tốt hơn.
Tất cả các sinh viên ở trong Chùa đều được Nhà chùa tạo điều kiện tốt nhất về ăn ở, sinh hoạt để chuyên tâm học tập. Và cứ như thế, với tấm lòng cao cả của mình, Thượng tọa Lý Hùng vẫn đang ngày đêm chắp cánh vững chắc cho những ước mơ của các sinh viên.