Kinh tế

TP.HCM phát triển công nghiệp Halal gắn với sản xuất – tiêu dùng xanh

Kim Sáng 01/11/2023 - 14:21

TP.HCM đang triển khai nhiều hoạt động định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất – tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Tổng Lãnh sự quán các nước Malaysia, Indonesia, Singapore tại TP.HCM tổ chức “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN”.

Chương trình nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện, định hướng cho doanh nghiệp thành phố nói riêng và liên kết vùng nói chung để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm theo quy trình chuẩn chất lượng Halal, cũng như khai thác tiềm năng hợp tác và phát triển lĩnh vực sản xuất thực phẩm; đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.

img_0907.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại chương trình.

Đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN nói chung và TP.HCM nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND TP.HCM đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất – tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.

Theo đó, Thành phố tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi…

img_0880.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm bên lề diễn đàn.

Hiện nay, TP.HCM đã có thêm nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Điển hình, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đã đưa vào hoạt động Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal tại quận 1 từ năm 2019. Đây là cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM phục vụ trên 300 loại sản phẩm đạt chuẩn Halal như trái cây, thực phẩm chế biến, các loại thức ăn nhanh, hàng tiêu dùng, thời trang và quà lưu niệm...

Thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục phối hợp Sở Công Thương và Lãnh sự quán các nước triển khai thêm các chương trình hội thảo, diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal, cũng như tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA...

Hợp tác quốc tế trong phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua đã ghi nhận nhiều thành quả tích cực.

img_1348.jpg
“Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN”.

Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%) nhất là trong khối ASEAN, riêng Indonesia có tỷ trọng lớn dân số theo đạo hồi.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Không những thế, việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Kim Sáng