Tin tức mới nhất về thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc
Đời sống - Ngày đăng : 07:55, 04/08/2015
Tin nhanh từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vào ngày 4/8 cho biết: Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua tại các tỉnh phía Bắc đã khiến 26 người chết và mất tích. Trong đó, tại Lai Châu, 2 mẹ con tử vong do sạt lở đất đá; Tại Sơn La, 1 phụ nữ bị thiệt mạng do lũ cuốn; Tại Vĩnh Phúc, 1 người dân đi đánh cá ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên bị nước cuốn trôi vào cống thoát nước và tử vong; Quảng Ninh 3 mẹ con tử vong, 8 người trong gia đình thiệt mạng do mưa lũ... Mưa lớn cũng làm 2 nhà bị sập đổ, 150 nhà bị hư hỏng, tốc mái và có trên 2460 ha hoa màu bị ngập úng, lũ cuốn trôi..
Tại Bắc Giang:
Tính đến 10 giờ ngày 3/8, toàn tỉnh có 5.571 ha lúa, màu và thủy sản bị ngập (trong đó có 4.842 ha lúa, 529 ha màu, còn lại là thủy sản). 649 hộ dân phải di dời khỏi vùng ngập lụt và tránh sạt lở đất đá. Tại Yên Thế, vào lúc 18 giờ ngày 2/8, một người dân bị thiệt mạng khi đi qua ngầm thuộc địa bàn xã Đồng Tiến. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước tại các sông, suối dồn về khiến quốc lộ 31 đoạn qua xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) bị chia cắt tại 3 điểm; nước ngập sâu từ 1 đến 1,5 m.
Bắc Giang nhiều nơi ngập trong biển nước
Trên quốc lộ 31, 279, 17 và các đường tỉnh 248, 290, 291, 293… đoạn qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế bị sập cống, sạt lở ta luy gây ách tắc cục bộ một số điểm. Sở Giao thông vận tải đang cử người phối hợp với UBND các huyện, xã nơi xảy ra sự cố theo dõi, khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn giao thông.
Lạng Sơn gây thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng
Tính tới thời điểm hiện tại tỉnh Lạng Sơn mưa lũ đã có 2 người chết và 1 người mất tích; 154 nhà bị ngập; 45 gia đình bị thiệt hại do sạt lở đất, đá lăn và bị tốc mái.
Hai nạn nhân thiệt mạng là cháu Phương Văn Thực, 10 tuổi, trú tại thôn Thồng Nọoc, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng và ông Trần Văn Đán, 81 tuổi, trú tại Khu Hòa Bình I, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Người mất tích là bà Trần Thị Slao, 53 tuổi, trú tại thôn Nà Coóc, xã Đào Viên, huyện Tràng Định.
Lạng Sơn ước tính thiệt hại 120 tỷ đồng
Ngoài ra, trên 5 tuyến quốc lộ và 25 tuyến đường tỉnh đã sạt lở taluy dương, với tổng khối lượng trên 120.000m3; sạt lở taluy âm ở 15 vị trí đã rào chắn cảnh báo; xói lở mặt đường khoảng 20.000m3; mặt đường bị ngập nước gây tắc đường 18 vị trí; khoảng 1.500ha lúa và 340ha hoa màu ngập cục bộ, một số gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Điện Biên, Sơn La chịu thiệt hại nặng nề
Tin tức 24 giờ qua, tại Điện Biên, thống kê trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây ngập úng, lũ quét trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng làm 4 người bị thương, thiệt hại lớn về nhà ở và tài sản của Nhà nước và của nhân dân, ước tính trên 110 tỷ đồng. Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Trung ương và của tỉnh nhận định, đợt mưa này có thể tiếp tục kéo dài đến hết ngày 3/8, khả năng gây lũ lớn trên các sông, suối và ngập lụt tại các vùng thấp, lũ ống, sạt lở đất tại các khu vực dân cư ở sườn đồi, vùng ven sông suối trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Tại Sơn La mưa kéo dài làm cho lượng nước ở các sông, suối dâng cao, gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của nhân dân, nguy cơ sạt lở đất ở nhiều nơi. Tại Thuận Châu đã có bảy cầu bị hư hỏng, 120 ha ruộng mới cấy bị ngập úng, hàng chục ao cá bị vỡ. Trên quốc lộ 37 (đèo Chẹn, thuộc huyện Bắc Yên) có năm điểm sạt lở; tại tỉnh lộ nhánh 110 đi xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn) sạt ta-luy âm xe không đi lại được.
Tại Lai Châu, khoảng 7 giờ sáng 1/8, tại bản Nậm Đanh (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) xảy ra vụ sạt lở đất khiến hai mẹ con chị Sùng Thị Khu và cháu Sùng Thị Dua đang di chuyển trên tỉnh lộ 127 bị vùi lấp. Đặc biệt, hiện nay các tuyến đường vào Mường Tè như: đường tránh ngập tỉnh lộ 127 từ km 31 đến km 109 xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn, trong đó tại km 103, km 104 sạt lở với khối lượng trên 10 vạn m3 đất, đá. Trên tuyến đường Pa Tần – Mường Tè xuất hiện hai điểm sạt lở lớn tại km 33+700 và km 48+200, với khối lượng đất, đá hàng chục vạn khối, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Tại Tuyên Quang, có 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại. Trong đó có một số công trình bị hư hỏng nặng như: Công trình thủy lợi thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, H. Na Hang toàn bộ thân đập bằng rồng thép bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; công trình thủy lợi thôn Dằm, xã Yên Thuận, H. Hàm Yên bị lũ cuốn trôi đập đầu mối; công trình thủy lợi Ninh Kiệm, xã Minh Hương, H. Hàm Yên bị đất vùi lấp hết đầu cống và kênh mương dẫn nước.
Thiệt hại tại Quảng Ninh tăng lên 2.700 tỷ đồng
Đến 12h ngày 3/8, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đợt mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh thiệt hại 2.700 tỷ đồng, trong đó, ngành than tổn thất nặng nhất với 1.200 tỷ đồng, hoạt động sản xuất - kinh doanh gần như tê liệt.
Cụ thể, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thiệt hại trên 1.100 tỷ đồng khi một số mỏ như Ngã Hai, Mông Dương, Cái Đá ngập nặng, các tầng khai thác bị sạt lở, hệ thống đường nội mỏ bị chia cắt, các tuyến đường sắt vận chuyển than hư hỏng, nhà xưởng, công trình bị bùn đất tràn lấp...
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Quảng Ninh
Đặc biệt, các kho than bị vỡ tường chắn, lượng than trôi chưa xác định được nhưng ước khoảng 10.000 tấn. 21 đơn vị vùng Hòn Gai, Cẩm Phả phải ngừng sản xuất để ứng phó với mưa lũ, không có sản phẩm. 40-80% công nhân phải nghỉ làm, một số đơn vị bị ảnh hưởng nặng như Mông Dương, Quang Hanh có thể phải cho công nhân nghỉ dài ngày hơn.
Theo lãnh đạo tỉnh, thiệt hại trên địa bàn ước tính có thể tiếp tục tăng lên bởi hiện nay có hơn 1.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản lớn nhưng do còn tập trung vào công tác chống đỡ mưa lũ và khắc phục hậu quả nên chưa thể thống kê chính xác.
Thái Nguyên: Lúa và hoa màu ngập sâu trong nước lũ
Đến trưa 3/8, toàn tỉnh có 991,2 ha lúa, hoa màu bị ngập sâu trong nước, tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên. Huyện Đại Từ là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất với hơn 200 m đường giao thông tại xã Minh Tiến và 100m bờ sông của xã Mỹ Yên sạt lở, 1 chiếc cầu tạm tại xã Vạn Thọ bị cuốn trôi, đường tràn liên hợp thuộc xã La Bằng bị sạt, khu vực bãi thải quặng mỏ sắt của Công ty Chiến Công thuộc xã Ký Phú bị sạt làm đổ 10 m tường rào trạm y tế xã… Uớc tính ban đầu, thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khoảng 20 tỷ đồng.