Đời sống

Sớm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thanh Phương 01/11/2023 13:00

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa đã tập trung các nguồn lực, quyết liệt triển khai các chương trình để giải quyết triệt để nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây nhiều hệ lụy. Người dân từng bước thay đổi nhận thức để loại bỏ hủ tục này khỏi đời sống.

Với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

cuocsongngheokho.jpg
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây nhiều hệ lụy

Thanh Hóa hiện có 11 huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Mường sinh sống. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng bào nơi đây vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến gia đình và xã hội.

Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở đồng bào tại các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn... Đây là một trong những nguyên nhân gây ra lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội tại khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn sống trong vòng luẩn quẩn: đông con - đói nghèo - thất học - tảo hôn.

kethonsom.jpg
Cặp đôi nghỉ học giữa chừng kết hôn sinh con

Xác định tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mà còn là nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển. Thanh Hóa đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khảo sát tại huyện biên giới Mường Lát, tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm 94,7%, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2020 đến tháng 4/2022, huyện Mường Lát có 960 cặp kết hôn, trong đó có 151 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống.

tuyentruyengioi.jpg
Lồng ghép chương trình tuyên truyền đầy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong các trường học

Thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021-2025) và Tiểu dự án 9.2 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, huyện Mường Lát đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ luỵ của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua 3 năm triển khai, huyện đã duy trì và triển khai 2 mô hình tại xã Nhi Sơn và Trung Lý – là 2 địa phương có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp như: Lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Thành lập các Câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở các bản.

thitranml.jpg
Cuộc sống của người dân Mường Lát ngày một ổn định khi đẩy lùi các hủ tục

Triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi và sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn trên địa bàn. Các thôn, bản lồng ghép đưa vào hương ước, quy ước các chế tài xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phù hợp với quy định của pháp luật và phong tục, tập quán của địa phương...

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Cầm Bá Tường cho biết, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 247 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Ban cũng thực hiện biên soạn, phát hành các sản phẩm truyền thông tuyên truyền thực hiện và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Tại các huyện, trong 2 năm 2021, 2022 đã tổ chức được 41 hội nghị tuyên truyền cho 5.038 người là cán bộ xã, thôn, bản, đại diện các tổ chức đoàn thể tại thôn, bản người có uy tín, người dân và học sinh.

Qua công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện đề án, đến nay, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang có xu hướng giảm từ 2,38% năm 2021 xuống còn 2,34% năm 2022. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước và các huyện giáp ranh có xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, kìm chặt người dân vào đói nghèo, suy kiệt về thể trạng, ốm đau liên miên chính là bước chuyển mạnh mẽ nhất để người dân thay đổi tư duy, nhận thức, tự mình vươn lên làm giàu. Những bản, làng biên giới xứ Thanh từ đó ngày một ấm no, giữ vững an ninh vùng núi cao với nước bạn Lào.

Thanh Phương