Hà Nội: Thêm 2.000 ca sốt xuất huyết trong tuần
Chỉ trong tuần qua (từ ngày 23-29/10) đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, chỉ trong tuần qua đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương ghi nhận có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca)...
Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới trong tuần qua ghi nhận giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, tình hình dịch có thể gia tăng trong các tuần tới.
Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
“Mỗi người dân trên địa bàn phải nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hoá chất diệt muỗi. Ngoài ra, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch”, ông Bùi Văn Hào nhấn mạnh.
Chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều người chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Người dân không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.