Thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại: Minh bạch và thống nhất
Đời sống - Ngày đăng : 08:31, 29/07/2015
Mục đích nhằm tạo một hành lang pháp lý cụ thể, minh bạch và thống nhất để Nhà nước kiểm tra giám sát việc thực hiện độc quyền nhà nước phù hợp theo các quy định pháp luật hiện hành và cam kết quốc tế.
Độc quyền - khó phát triển
Trong cơ chế thị trường, nếu trong một thị trường mà chỉ có một doanh nghiệp độc quyền cung cấp sản phẩm thì dù giá có cao, trong khi chất lượng dịch vụ, cung ứng còn tồn tại nhiều bất cập thì người tiêu dùng luôn chịu thiệt thòi. Những câu chuyện buồn của ngành điện với dân hôm nay được cho là đã không học được bài học mở cửa thị trường của ngành Viễn thông vốn độc quyền trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện độc quyền đã nảy sinh ra rất nhiều hệ lụy như khách hàng bị bắt chẹt, chất lượng thấp, giá cao và cả chuyện quản trị của chính doanh nghiệp độc quyền rất đáng phàn nàn.
Ngành điện độc quyền bởi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Lâu nay việc minh bạch các hoạt động của EVN chi phối tới giá điện từng được nhiều chuyên gia bàn đến. Nhất là dạo gần đây, những hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba lần bình thường khiến người dân kêu ca, khiếu nại càng chứng tỏ thế độc quyền của đơn vị này trong ngành.
Nếu như ở một thị trường mà có nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh thì doanh nghiệp nào có sản phẩm chất lượng tốt, dịch vụ chu đáo, giá cả hợp lý sẽ được khách hàng lựa chọn. Lúc bấy giờ, khách hàng mới thật sự là "thượng đế".
Nếu nhìn ra thế giới, những quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Brazil,… đều phải thay đổi hướng đi khi phá vỡ thế độc quyền của ngành điện, đi theo con đường phát triển thị trường điện cạnh tranh. Tổ chức Tư vấn quốc tế đã từng đề nghị cần sớm xoá bỏ vị trí mua điện duy nhất của EVN vào năm 2019 nhưng Tập đoàn này lại đưa ra muôn vàn lý do với mong muốn kéo dài lộ trình. Đa phần lý do EVN đưa ra là vì e ngại 5 Tổng công ty điện chưa đủ kinh nghiệm và cho rằng cần phải có giai đoạn quá độ.
TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung ứng điện.
Cần xóa bỏ thế độc quyền của ngành xăng dầu
Hay vấn đề xăng dầu, tăng giá đã trở thành “điệp khúc”. Nếu còn duy trì tình trạng độc quyền như hiện nay, thì việc giá xăng trong nước tiếp tục tăng cao trong khi thiếu cơ sở thuyết phục là điều dễ xảy ra. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: “Việc điều hành quản lý kinh doanh xăng dầu còn chưa minh bạch. Khi doanh nghiệp tăng giá thì cơ quan chức năng giải thích: giá xăng thế giới tăng, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở. Hiện tại Bộ Công Thương chủ trì việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, như vậy khó tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” - khi vừa nắm giữ “con cưng” Petrolimex giữ vai trò thống lĩnh thị trường; vừa quản lý cạnh tranh; vừa điều hành xuất nhập khẩu đối với mặt hàng này nay lại trao thêm quyền chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu thì… không còn gì để nói”.
Thứ hai, kinh doanh xăng dầu mà có “lợi nhuận định mức” - trong cơ cấu giá thành “cho” doanh nghiệp hưởng “món” này là điều rất vô lý. Về nguyên tắc đã gọi là kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu. Nay cứ kêu lỗ thì được người dân bù lỗ, lại được đóng khung “lợi nhuận định mức” 300 đồng/lít, lấy từ tiền thuế của dân như vậy thì doanh nghiệp xăng dầu… sung sướng quá. Lại thêm chi phí hao hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng được tính tất vào giá thành để người tiêu dùng gánh chịu.
Xăng dầu là đầu vào của toàn xã hội. Nếu vẫn còn độc quyền trong lĩnh vực này, thì người dân còn khổ. Đó là điều dễ thấy.
Xăng dầu và điện không còn độc quyền
Vì vậy, dự thảo chống độc quyền của Bộ Công Thương đưa ra được sự quan tâm của xã hội. Theo dự thảo, 16 lĩnh vực độc quyền được chia làm 2 nhóm gồm hàng hóa và dịch vụ.
Về hàng hóa, Nhà nước sẽ độc quyền ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh; sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu; phát hành sổ xố kiến thiết; nhập khẩu thuốc lá; đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng.
Về lĩnh vực dịch vụ, Nhà nước độc quyền trong dịch vụ hoa tiêu hàng hải; dịch vụ công đảm bảo an toàn hàng hải; bảo đảm hoạt động bay; xuất bản; in, đúc tiền; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Như vậy, Nhà nước chỉ thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia. Độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Với ngành điện, Nhà nước chỉ nắm độc quyền trong khâu vận hành thủy điện đa mục tiêu, điện hạt nhân, và khâu truyền tải, điều độ, vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Nghị định không đề cập đến lĩnh vực xăng dầu vì việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa. Theo đó, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đều có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Đặc biệt, việc thực hiện độc quyền Nhà nước phải đảm bảo không biến thành độc quyền doanh nghiệp, thu hẹp các lĩnh vực độc quyền Nhà nước, xoá bỏ báo cấp của Nhà nước cho doanh nghiệp. Hoạt động độc quyền Nhà nước cũng vẫn phải tuân thủ theo pháp luật về doanh nghiệp, về cạnh tranh. Các hoạt động độc quyền Nhà nước trong thương mại dịch vụ, hàng hoá phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai.
Chuyển biến sâu sắc
Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò và vị trí của thương mại nhà nước trong nền kinh tế thị trường đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Những thay đổi này xuất phát từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh này, việc xây dựng Nghị định này là cần thiết nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Đồng thời, góp phần thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.
Việc xây dựng các quy định này cũng góp phần thể chế hóa chủ trương đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 11/4/2012. Trong đó đề cao nguyên tắc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật; tăng cường bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định cũng nhằm đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo Bộ Công Thương, việc hạn chế sự can thiệp của nhà nước và sự gia tăng các thành phần kinh tế tham gia trong mọi lĩnh vực là một minh chứng chứng minh cho định hướng xây dựng nền kinh tế của Việt Nam là phù hợp với cam kết. Đề án được xây dựng với mục tiêu thu hẹp lĩnh vực độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại với các tiêu chí rõ ràng là sự phù hợp nhất định với cam kết quốc tế trong giai đoạn hiện nay.