Sức Khỏe

Sẽ chấm dứt cảnh đi khám bệnh phải khai tiền sử ốm đau

Chí Tâm 30/10/2023 - 16:12

Với hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân đã đi khám tại một bệnh viện, khi đến thăm khám tại các bệnh viện khác sẽ không cần khai bệnh sử; cán bộ y tế cũng có thể tra cứu thông tin trên hồ sơ bệnh án để đưa ra chỉ định, điều trị phù hợp.

Chia sẻ tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), ông Đỗ Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, Trung tâm Dữ liệu y tế hiện đại, quy mô đang được xây dựng để triển khai hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các hệ thống liên quan công tác điều hành của Bộ Y tế, chia sẻ dữ liệu y tế với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

y-te.jpeg
Người dân quan tâm đến các nền tảng y tế số. Ảnh: Thùy Linh

"Chúng tôi đang đẩy mạnh các nền tảng y tế số, trong đó tập trung 4 nền tảng là: hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng quản lý trạm y tế được thực hiện song hành.

Trong năm 2023 đã có 30 địa phương đăng ký thực hiện ứng dụng hai nền tảng này để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân", ông Đỗ Trường Duy cho hay.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia chia sẻ thêm, hiện nay nhiều bệnh viện chậm chuyển đổi số. Nguyên nhân do nhiều yếu tố như bệnh viện chưa quan tâm hoặc chưa biết làm thế nào cho đúng, cán bộ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chưa có nguồn lực kinh tế, nguồn lực ứng dụng. Một số bệnh viện không có nguồn đầu tư, không có kinh phí thực hiện.

Vừa qua, nhiều địa phương liên hệ hợp tác với trung tâm để thực hiện các chương trình chuyển đổi số trong y tế. Họ chưa nắm rõ hoặc hành động cụ thể như thế nào nên cần đơn vị cầm tay chỉ việc.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn nhưng chỉ là khung, mỗi địa phương có đặc thù riêng. Vì vậy, bệnh viện còn e dè, chưa tự tin để triển khai thực hiện nên vẫn còn đơn thuốc viết tay.

Về nền tảng hồ sơ sức khỏe đang được Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia triển khai, các chuyên gia cho hay, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có)...

Chí Tâm