Đổi mới sáng tạo nâng tầm y tế Việt Nam
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, hoạch định chính sách, nhà đầu tư để mang lại thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Ngày 29/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức "Diễn đàn Ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: Giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo" tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc).
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 diễn ra từ ngày 28/10 tới ngày 1/11 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, y tế là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Y tế cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là chú trọng triển khai các sáng kiến, hình thành kho dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành; xây dựng và phát triển các nền tảng số y tế; đảm bảo hạ tầng và an toàn thông tin để cung cấp trải nghiệm mới hoàn toàn khác trong lĩnh vực y tế, thông qua đó mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đại dịch Covid-19 đã tạo ra "bước nhảy" vượt trội cho chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Nhờ khả năng ứng phó, chống chịu linh hoạt và vững vàng, hệ thống y tế Việt Nam đã tạo nên thành công khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Các ứng dụng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng và phủ sóng rộng rãi tới người dân toàn quốc như khai báo y tế NCOVI, PC COVID; truy vết nguồn lây Bluezone, khám chữa bệnh qua Internet... Những nền tảng số này hỗ trợ đội ngũ y tế sàng lọc người bệnh và tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bên cạnh đó nâng cao nhận thức của người dân đối với diễn biến của dịch bệnh.
"Đại dịch Covid-19 đã phần nào khiến chúng ta nhìn rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, đổi mới y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Quá trình đổi mới được lặp đi lặp lại và có thể phát sinh những ý tưởng mới hoặc kết hợp các khái niệm hiện có. Sự đổi mới có thể là các giải pháp công nghệ đột phá thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học để giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và luôn biến động theo sự phát triển của xã hội và mô hình bệnh tật.
Nhìn lại lịch sử, phần lớn sự tiến bộ trong y tế đã được thúc đẩy bởi sự đổi mới, sáng tạo trong từng hoạt động hằng ngày của đội ngũ y, bác sĩ và các nhà khoa học liên quan trong điều trị, dự phòng, nghiên cứu, thực hành... Trong ba năm qua, dịch Covid-19 đã làm cho đổi mới y tế trở nên phổ biến hơn, liên quan đến nhiều tác nhân hơn bao giờ hết.
Hiện nay, có 5 khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế. Đó là đổi mới công nghệ; ứng dụng kỹ thuật số; dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn; công nghệ sinh học; y học từ xa (telehealth). Trong đó, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, hoạch định chính sách, nhà đầu tư để mang lại thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Với vai trò là cơ quan tiên phong, dẫn dắt hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO),… triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi trong lĩnh vực công nghệ y tế.