Bảo tồn văn hoá là động lực phát triển kinh tế tỉnh Hà Giang
Ngày 28/10, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh trong nước.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ: “Trải qua những thăng trầm của lịch sử và điều kiện tự nhiên khá đặc thù, một mặt cộng đồng các dân tộc vẫn duy trì, bảo lưu được cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống vốn có, mặt khác họ cũng sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hoá mới phù hợp với hoàn cảnh sống. Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang được thể hiện trên các mặt: Văn hóa vật chất, các quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần. Từ đó đã hình thành nên giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Hà Giang đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn; có vốn tri thức dân gian phong phú.
Trong các cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được tỏa sáng, tạo nên sức sống mãnh liệt để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và là nền tảng để góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển trong công cuộc xây dựng tỉnh Hà Giang; gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…”.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho biết: “Hà Giang có hai lợi thế và hai nét đặc sắc cần được quan tâm nghiên cứu là: cảnh quan thiên nhiên hung vĩ (Cao nguyên đá Đồng Văn bên cạnh danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu) tạo nên sự đa dạng sinh học và đặc biệt là sự đa dạng văn hoá phát sinh từ sự cộng sinh của đồng bào 19 dân tộc anh em, cũng như sự cộng sinh của chính họ với môi trường sinh thái tự nhiên chủ yếu là đá và núi.
Hà Giang trong những năm qua đã và đang làm rất tốt công tác lấy Văn hóa làm du lịch, lấy du lịch bảo tồn văn hoá. Là tỉnh có đặc thù núi cao, sông sâu, đồng bào luôn một lòng lưu giữ văn hoá bản địa. Thế hệ trẻ Hà Giang hoạt động lĩnh vực văn hóa, du lịch cũng xuất phát từ những điều bình dị nhất của văn hóa để phát triển du lịch, làm du lịch đưa văn hóa bản làng ra thế giới.
Nghệ nhân Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn chia sẻ về những trăn trở và mong muốn, bảo tồn dân tộc Mông tỉnh Hà Giang, luôn lưu giữ, phục dựng nét văn hóa đặc trưng đồng bào Mông. Bên cạnh đó có biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa bên ngoài làm ảnh hưởng đến đời sống đồng bào. Tuy nhiên là một người được bà con tín nhiệm, uy tín và luôn hết lòng với đồng bào Mông, Nghệ nhân Vàng Chá Thào tin tưởng trách nhiệm những thế hệ đi trước sẽ duy trì, bảo vệ văn hóa dân tộc mình.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực và thành tựu mà tỉnh Hà Giang qua các thế hệ đã đạt được, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang.
Thời gian qua, Hà Giang đã đạt những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, cội nguồn sâu xa chính là ở giá trị, sức mạnh nền tảng của văn hóa và con người Hà Giang.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hà Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Cùng đó, tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: Tỉnh cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thống nhất trong đa dạng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của 19 dân tộc tại Hà Giang.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Hà Giang tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa lành mạnh.
Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang 2023 nằm trong chuỗi sự kiện do tỉnh Hà Giang tổ chức diễn ra từ 25 - 28/10.
Các sự kiện khác bao gồm: Chương trình đón nhận danh hiệu thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3, lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 9 và Ngày hội truyền thông Hà Giang năm 2023.