Hà Nội: Nỗi lo từ những cây cầu tạm bắc qua sông Đáy
Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 27/07/2015
Cho đến nay, khi cây cầu Tế Tiêu với kết cấu bằng thép, bê tông kiên cố được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng những người dân ngại xa, phải đi vòng tốn thời gian nên hàng ngày vẫn lưu thông qua 2 cây cầu tạm mà không để ý đến việc cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào. Khúc sông Đáy chảy qua xã Đại Hưng, có tới 2 cây cầu phao tạm, 1 cầu được làm cạnh Chợ Sêu thuộc thôn Trinh Tiết, cầu còn lại làm cạnh chợ Đanh thuộc làng Hạ Xá. Trải qua mưa nắng, mặt 2 chiếc cầu phao đã bị mục nát, thép hoen gỉ, phải sửa chữa chắp vá nhiều lần.
Bên cạnh đó, ở dưới gầm cầu là nơi ứ đọng rác thải với xác động vật, cơ man tạp chất dồn về gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Mỗi khi đi qua 2 cây cầu này người dân đều phải đóng phí cho chủ cầu. Họ lập chốt ở đầu cầu và thu 2.000 đồng/người và 2.000 đồng/phương tiện.
Bác Năm, người thường xuyên lưu thông qua 2 cây cầu tạm cho biết: "Mặc dù biết nguy hiểm và mất ít phí qua lại nhưng chúng tôi vẫn chọn đi qua 2 chiếc cầu này vì nếu vòng lên cầu chính thì rất tốn thời gian".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thao - Phó chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay: "Hai cây cầu này đã có cách đây chục năm, xã cũng thường xuyên kiểm tra giám sát độ an toàn của cầu, phát hiện hư hỏng là bắt chủ đầu tư kịp thời khắc phục sửa chữa ngay. Vì nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, nên 2 cây cầu này vẫn tồn tại cho đến mãi bay giờ. Việc người dân lập chốt thu phí là lẽ đương nhiên, vì họ bỏ tiền bạc ra làm cầu thì phải thu lại vốn. Phí qua cầu được thu theo quy định".
Dưới đây là hình ảnh mà PV ghi lại được:
Rình rập hiểm nguy khi đi qua những cây cầu tạm
Cây cầu phao bắc qua sông Đáy
Học sinh hàng ngày đi học cũng lựa chọn đi qua cây cầu này
Cây cầu đã bị xuống cấp, gỗ mục nát, sắt hoen gỉ và chắp nối tạm bợ
Cầu là nơi "tập kết" rác thải từ thượng nguồn đổ về, gây ô nhiễm môi trường