Quảng Nam: Triển khai nhiều mô hình hướng đến du lịch bền vững
Du lịch xanh, chuyển đổi số trong du lịch đang là hướng đi mới cho ngành du lịch nhằm đảm bảo phát triển du lịch có trách nhiệm. Đây là chìa khóa để phát triển ngành du lịch Quảng Nam cũng như cả nước, góp phần quan trọng cho phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.
Tiên phong trong phát triển “Du lịch xanh”
Khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “nói không với túi ni lông” vào năm 2009, sau 14 năm thực hiện, đến nay Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An (Quảng Nam) là địa phương duy nhất thực hiện thành công “Nói không với túi ni lông” và hiện cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa.
Có thể xem Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc kiểm soát được loại rác thải này. Việc triển khai thực hiện thành công chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” đã góp phần tạo tiếng vang lớn ở một khu dự trữ sinh quyển thế giới, lôi cuốn du khách đến tham quan học tập, tạo điểm nhấn đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm.
Đặc biệt, ý thức chấp hành của người dân được nâng cao, phần lớn hình thành thói quen không dùng túi nylon, thay vào đó dùng các loại túi thay thế để đựng thực phẩm. Các doanh nghiệp du lịch cũng thể hiện trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện, nhắc nhở du khách tham gia. Nhiệt tình đóng góp tài trợ các loại túi sinh thái thay thế túi ni lông với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc.
Không dừng lại ở đây, tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”, với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 13-15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần. Các vật dụng cá nhân nhỏ nhất trong từng căn phòng cũng chỉ sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường… đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường và tầng ô-zôn. Đây là một trong những mô hình du lịch xanh của Quảng Nam đang phát huy rất hiệu quả.
Trước đó, tháng 10/2022, Hội An đã ra mắt mô hình “Trạm đong đầy ở chợ” - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặt biệt là rác thải nhựa. TP.Hội An cũng triển khai lắp đặt những “Ngôi nhà xanh” dùng để chứa các loại rác thải nhựa có thể tái chế ở 54 thôn, khối phố. Hoạt động này lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, xây dựng thành phố du lịch xanh. Những chai nhựa, lon bia, ống hút, túi nilon giờ đây không chỉ được sử dụng một lần, mà còn được kéo dài vòng đời trở thành những vật dụng hữu ích. Từ đó góp phần giảm thiểu 30 - 40% lượng rác thải sử dụng 1 lần ra bãi rác thành phố.
Đồng bộ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
Bên cạnh mục tiêu hướng đến du lịch bền vững, Quảng Nam cũng đang tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, với các ngành, lĩnh vực như hàng không, truyền thông...trong nước và quốc tế.
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã đưa “Thuyết minh đa ngôn ngữ” (Audio Guide) vào phục vụ khách từ tháng 7/2023. Đây là sản phẩm tiếp theo của Mỹ Sơn sau khi triển khai website thực tế ảo VR360 và thực hiện chương trình thuyết minh trực tuyến phát trên mạng xã hội facebook, youtube…
Du khách khi đến Mỹ Sơn chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code dán trên tấm sắt mỏng đặt trước nhóm tháp tại khu di sản Mỹ Sơn, bắt đầu truy cập vào phần thuyết minh để nghe những thông tin về quần thể đền tháp. “Bài thuyết minh rất rõ ràng, dễ hiểu” – một du khách tỏ rõ sự hài lòng sau khi nghe xong bản dịch tự động.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh quảng bá du lịch trên website www.quangnamtourism.com.vn; www.visitquangnam.com và trên các trang mạng xã hội: youtube, facebook, twitter, instagram, tiktok... Trong đó, phối hợp với VNPT Quảng Nam vận hành hệ thống du lịch thông minh Quảng Nam gồm cổng thông tin du lịch Quảng Nam và App Quang Nam Tourism.
Phối hợp Công ty truyền thông Thiên Minh xây dựng website www.visitquangnam.com; đồng bộ tên, ID các trang mạng xã hội; đăng ký tích xanh kênh TikTok; trang fanpage; instagram và phát triển các trang mạng xã hội của du lịch Quảng Nam. Tổ chức hoạt động truyền thông, quảng bá tại Văn phòng đại diện du lịch Quảng Nam tại TP. Hà Nội, và TP. HCM…
Trọng tâm trong chiến lược này là phối hợp Công ty truyền thông Thiên Minh (TMG) hỗ trợ Quảng Nam xây dựng và vận hành hiệu quả hơn nữa trang web. Bà Esther De La Cruz, cố vấn của TMG phụ trách quản lý nội dungtrang web visitquangnam cho biết: Trang web này là nền tảng đầu tiên của Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung giới thiệu về du lịch bền vững và đã được các chuyên gia của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP) tư vấn về nội dung. Để quảng bá hình ảnh của Quảng Nam tới du khách trong nước và quốc tế trên nền tảng số, www.visitquangnam.com là địa chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin hữu ích, truyền cảm hứng để du khách du lịch bốn phương tìm về xứ Quảng, tìm hiểu những nét đẹp độc đáo của văn hóa, ẩm thực và con người nơi đây.
Theo bà Esther De La Cruz, với nội dung phong phú từ thời tiết, hướng dẫn chi tiết về xin cấp thị thực tại Việt Nam cũng như các chính sách thị thực mới nhất từ Chính phủ, cùng các hệ thống trang web, các kênh truyền thông xã hội vệ tinh như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok… sẽ mang đến cho du khách những cái nhìn chân thực và mới mẻ về trải nghiệm du lịch tại Quảng Nam, những địa danh du lịch nổi tiếng xen lẫn những điểm đến còn chưa được nhiều người biết đến. “Một yếu tố quan trọng cần lưu ý là các nội dung được đưa ra phải luôn luôn xuất phát từ góc nhìn lợi ích dành cho khách du lịch. Đó là cách làm của TMG”.
Theo kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người. Mỗi năm, xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh.