Dự báo giá trị xuất khẩu tôm chỉ đạt 3 tỷ USD
Các chuyên gia dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm sẽ dừng lại ở mức 3 tỷ USD, thấp hơn so với kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm nay là trên 4,3 tỷ USD.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ngành tôm phải đối mặt với nhiều thách thức như hoạt động nhỏ, tự phát; tỉ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao; tôm giống chất lượng chưa cao. Ngoài ra còn do tình hình lạm phát ảnh hưởng đến chi phí đầu vào tăng, đồng Euro mất giá, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm, cộng thêm tình hình chiến sự Nga - Ukraine kéo dài… đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm.
Do đó, dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD đã là thành công. Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho mặt hàng tôm xuất khẩu trong năm nay là trên 4,3 tỷ USD.
Các chuyên gia ngành tôm cũng đã tìm mọi biện pháp để thúc đẩy con tôm phát triển, giúp người nuôi trụ được với nghề, doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn do biến động kinh tế.
Gần đây nhất, tại Hội thảo chuyên ngành tôm diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia ngành tôm thế giới cho rằng, nếu tình hình tiêu thụ trong nửa cuối năm dẫu có tốt lên hơn thì dự kiến sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn sẽ sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Để xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2023, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế là tôm sú. Đồng thời tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng xuất các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng vào thị trường EU, tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để tăng sức cạnh tranh…