Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền ông Hoàng Mười
Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Đền ông Hoàng Mười là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã xác định Lễ hội Đền ông Hoàng Mười là điểm nhấn văn hóa, du lịch tâm linh, thu hút du khách thập phương tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Ngôi đền linh thiêng nổi tiếng ở xứ Nghệ
Đền ông Hoàng Mười thuộc địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tồn tại hơn 400 năm. Đền thờ chính Quan Hoàng Mười cùng các vị Phúc Thần như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung.
Tích xưa kể rằng, ông Hoàng Mười là một vị thần xuống nhân gian giúp đời. Theo nhân gian kể lại, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.
Đền ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê, với diện tích trên 1ha với những kiến trúc độc đáo. Công trình được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.
Đây là một công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị, đúng với quy mô truyền thống, gồm có tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, khu vực miếu mộ. Trong đền còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt là 21 đạo sắc, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Nét đặc sắc nhất của di tích chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu - một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ấy đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đặc sắc vào ngày 9, 10/10 âm lịch hàng năm - ngày giỗ của Quan Hoàng Mười.
Với những nghi lễ tâm linh truyền thống, đậm màu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống mà đặc sắc nhất là nghi thức hầu đồng, lễ hội đã vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự.
Đông nhất vẫn là du khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa. Anh Hoàng Anh Tuấn, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi trở lại Đền ông Hoàng Mười. Mỗi lần đến, tôi đều thấy đổi mới khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Thái độ phục vụ của ban quản lý đền cũng chuyên nghiệp hơn. Với gia đình tôi, Đền ông Hoàng Mười là nơi mà chúng tôi luôn tìm về trên con đường hành hương đến với miền di sản văn hóa tâm linh”.
Đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử văn hoá từ năm 2002; Công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh năm 2018. Đặc biệt năm 2019, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự vinh danh này trước hết là nhằm khẳng định các giá trị to lớn của di sản trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, văn hóa dân tộc.
Đồng thời, thể hiện sự tri ân, ngưỡng vọng của hậu thế đối với công đức tiền nhân tiên tổ. Cùng với đó, vinh danh cũng gắn liền với trách nhiệm của hậu thế trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vốn giàu có và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương
Với sự linh thiêng được lưu truyền và lễ hội quy mô Đền ông Hoàng Mười đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch của mỗi du khách khi đến thăm xứ Nghệ. Đây được xem là một trong sáu ngôi đền thiêng lớn nhất Nghệ An, mỗi năm đón hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến chiêm bái, cầu an, cầu lộc.
Trong những năm qua, đền được quan tâm đầu tư tôn tạo nên diện mạo ngày càng khang trang, phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân. Nhất là vào mùa lễ hội, chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Hưng Nguyên đều chuẩn bị chu đáo.
Khi diễn ra, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng với đầy đủ các nội dung như: Lễ Khai quang, Yết cáo, Lễ rước, Đại tế, Lễ tạ. Phần hội luôn được đổi mới với nhiều hoạt động thể thao hấp dẫn, sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân cùng du khách, như: Đua thuyền, bóng chuyền nam, nữ và các trò chơi dân gian.
Lễ hội Đền ông Hoàng Mười là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, đây là dịp để du khách thập phương hành hương về với Hưng Nguyên - vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, nhiều tấm gương kiên trung, nghĩa liệt mà cuộc đời, sự nghiệp của họ đã làm rạng ngời quê hương, đất nước.
Hiện nay, huyện Hưng Nguyên đang tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Chú trọng phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, khai thác du lịch văn hóa tâm linh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá để khách du lịch đến với Hưng Nguyên ngày một nhiều hơn nhằm phát triển ngành du lịch, góp phần nâng cao tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Với sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường, di tích Đền ông Hoàng Mười cùng với Đền Vua Quang Trung, núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô đang là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch ven sông Lam của tỉnh Nghệ An, xứng đáng là điểm văn hóa du lịch tâm linh của xứ Nghệ.