TAND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Sơ kết việc phối hợp giải quyết vụ án về tranh chấp đất đai
Ngày 26/10, TAND tỉnh phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế số 5317/QCPH-STNMT-TAND-CTHADS ngày 11/12/2017. Đây là Hội nghị sơ kết quy trình phối hợp thực hiện đo đạc thửa đất giải quyết vụ án về tranh chấp đất đai.
Đồng chủ trì Hội nghị có ông Võ Văn Bá - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chánh án TAND tỉnh; bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Cục trưởng Cục THADS tỉnh; ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT; đại diện VKSND và lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, phòng đo đạc bản đồ và viễn thám; các lãnh đạo TAND hai cấp địa phương, Thẩm phán, Thẩm tra viên…
Tại Hội nghị, các đơn vị cùng thảo luận và có đánh giá, những năm gần đây, số lượng các vụ việc tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương các cấp; đặc biệt là Sở TN&MT, Cục THADS (trên cơ sở Quy chế số 5317), TAND hai cấp tỉnh Bình Dương đã giải quyết, xét xử các vụ việc về tranh chấp đất đai kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Quy chế số 5317 được ký kết là một trong những cơ sở quan trọng cho các cơ quan trong quá trình phối hợp giải quyết các tranh chấp về đất đai. Ngay sau khi ký kết Quy chế phối hợp liên ngành, lãnh đạo các cơ quan đã kịp thời triển khai Quy chế đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị và các đơn vị trực thuộc để cán bộ, công chức nắm bắt và chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn đã được nêu trong Quy chế.
Các cơ quan tham gia ký Quy chế đã phát huy trách nhiệm phối hợp kịp thời nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải quyết án dân sự và công tác thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp, tồn đọng kéo dài; Kịp thời thông tin cho cơ quan liên quan những vướng mắc trong từng khâu công tác, từng vụ việc cụ thể để phối hợp giải quyết.
Kết quả thực hiện, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2022, TAND hai cấp tỉnh Bình Dương đã giải quyết 6.553 vụ việc về tranh chấp liên quan đến đất đai đã thụ lý (cấp tỉnh: 1.338 vụ việc; cấp huyện: 5.215 vụ việc); Trong đó có 4.592 vụ, việc có yêu cầu định giá tài sản (cấp tỉnh: 395 vụ việc, cấp huyện: 4.197 vụ, việc).
Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2022, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh đã thực hiện 5.293 hồ sơ yêu cầu lập mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý và thực hiện cung cấp thông tin phục vụ giải quyết tranh chấp về đất đai đối với 12.206 hồ sơ…
Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua mỗi ngành đều có sự chủ động phối hợp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao. Việc ban hành Quy chế là giải pháp đúng đắn, kịp thời, là cơ sở quan trọng để các ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật; Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; Đồng thời, góp phần gắn kết trách nhiệm phối hợp giữa các ngành có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết các vụ việc và công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
Đặc biệt, lãnh đạo Tòa án, cơ quan Thi hành án và cơ quan Tài nguyên và Môi trường luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo việc tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết các tranh chấp và thi hành án về đất đai; Chủ động triển khai, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan theo nội dung Quy chế 5317 đã ký kết.
Cán bộ, công chức của các đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phối hợp trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án về đất đai. Lãnh đạo cấp trên, cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho Tòa án, cơ quan Thi hành án và cơ quan Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Bên cạnh thuận lợi và những kết quả đã đạt được, sau hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp 5317, các đơn vị nhận thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác phối hợp, hỗ trợ Tòa án, thi hành án còn chậm (cung cấp hồ sơ thường quá 15 ngày), việc phối hợp đo đạc, lồng ghép, không có tọa độ, không chụp bằng ảnh, tranh chấp đất đai phải đối chiếu từ thời xa xưa, có thể không lưu hồ sơ, có hồ sơ bắt buộc phải lên trung tâm lưu trữ quốc gia, mất rất nhiều thời gian…
Để khắc phục những khó khăn, thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Quy chế phù hợp với điều kiện, tình hình và các quy định của pháp luật mới; Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phối hợp giữa các đơn vị (ứng dụng phần mềm liên thông trong giao nhận văn bản).
Kết luận Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Hoàng đã thay mặt lãnh đạo liên ngành, ghi nhận sự nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện Quy chế phối hợp. Còn về các mặt khó khăn, hạn chế của từng đơn vị, lãnh đạo liên ngành sẽ khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, để đạt hiệu quả cao trong công tác.