Cao Bằng đẩy mạnh chuyển đổi số đến tận thôn, bản
Tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực đưa chuyển đổi số đến tận thôn bản với mục tiêu cung cấp thông tin nhanh nhất, hoàn thiện nhất, đưa hình ảnh Cao Bằng đến với cộng đồng trong và ngoài nước phát triển kinh tế, xã hội.
Hội thảo Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2023 có sự phối hợp của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp cung cấp về giải pháp chuyển đổi số. Hội Thảo Chuyển đổi số này nhằm mục đích giới thiệu các giải pháp thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, các giải pháp về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số, giải pháp phục vụ xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao hiệu quả về thương mại điện tử… đã nêu cao vai trò chuyển đổi số ứng dụng trong đời sống xã hội tại tỉnh nhà cũng như xu hướng phát triển chung cả nước
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu, trong đó tham luận của ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Cao Bằng về thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Cao Bằng.
Tham luận nhấn mạnh: “Dữ liệu đang trở thành tài nguyên quý báu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Sự quan tâm và phát triển dữ liệu là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, tạo sự chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và mở cửa dữ liệu theo quy định pháp luật để thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển dữ liệu sẽ cung cấp nền tảng cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ thông tin liên thông giữa các cơ quan nhà nước và cung cấp các bộ dữ liệu mở chất lượng và giá trị cao. Mở cửa dữ liệu theo quy định pháp luật sẽ thúc đẩy sự phát triển của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”...
Theo chủ đề năm 2023 là năm dữ liệu số, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng trong năm 2023 sẽ là dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.
Dữ liệu số đã trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan nhà nước. Chúng ta cần tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để cải thiện khả năng quản lý và phục vụ lợi ích người dân một cách có hiệu quả.
Xác định điều này, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời cũng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả dữ liệu số trong hoạt động cơ quan nhà nước.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây và trở nên nóng bỏng trong các cuộc nghị đàm vượt ra khỏi biên giới các quốc gia, cho thấy tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của xã hội loài người trong tương lai"...
Để thực hiện kế hoạch Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đưa ra một số đề nghị để chuyển đổi số thành công đưa vào đời sống, trong đó nhấn mạnh vai trò quyết định của người đứng đầu trong chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, để Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về chuyển đổi số đi vào cuộc sống, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số. Khi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào chuyển đổi số, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Mỗi tổ chức và cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Chọn việc gì để làm trước và chắc chắn sẽ làm được là một quyết định quan trọng của mỗi tổ chức, địa phương. Tận dụng nhân lực sẵn có nguồn lực bên ngoài, sự giúp đỡ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông để tiến hành chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.