ĐBQH cảnh báo “bỏ cọc” đấu giá sim điện thoại như đấu giá biển số xe ô tô
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 10 chương, 73 Điều.
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, theo ông Huy, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá (điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50); Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân (điểm c, d khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 50)…
Góp ý vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao. Dù đồng tình với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 50 về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất "được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cảnh, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị rất cao so với giá khởi điểm. “Cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng”, ông Cảnh cảnh báo.
Đề cập đến việc bỏ cọc thời gian qua, khi nhà nước thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị: “việc phân nhóm này giao cho Bộ quy định cụ thể. Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp”.
Không giao bảo mật thông tin cho doanh nghiệp
Về bảo mật thông tin, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo cụ thể tại điểm i, k, l và m khoản 2 Điều 13, điểm đ và e khoản 2 Điều 15.
Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.
Theo dự thảo Luật, người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy định như vậy chưa phù hợp. “Nên quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân”, ông Quân nói.
Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông ( Điều 14), đại biểu đề nghị sửa quy định về "chịu sự kiểm tra kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông" thành "chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương", để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan…
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước” là chưa đảm bảo, bởi các thông tin bí mật nhà nước chỉ có chủ sở hữu thông tin mới có mới là người có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.
"Do vậy, nên quy định trách nhiệm của chủ sở hữu thông tin về bảo vệ bí mật của Nhà nước”, ông Tiến nói.