Hà Giang tổ chức chuỗi sự kiện quan trọng nhằm quảng bá văn hóa, du lịch
Chuỗi sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 28/10, bao gồm: Hội nghị Văn hóa tỉnh, Chương trình đón nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao Nguyên đá Đồng Văn lần thứ III, Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX và Ngày hội Truyền thông Hà Giang năm 2023.
Diễn ra vào ngày 25/10, Ngày hội Truyền thông Hà Giang năm 2023 là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện quan trọng diễn ra trong dịp này.
Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức Ngày hội Truyền thông Hà Giang nhằm tạo diễn đàn gặp gỡ, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông; sự kết nối và phối hợp thường xuyên giữa truyền thông nhà nước với truyền thông cộng đồng; tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách, cách làm mới để thúc đẩy và tăng cường hiệu quả truyền thông, quảng bá về Hà Giang. Ngày hội cũng là dịp để UBND tỉnh biểu dương, vinh danh một số kênh thông tin, cá nhân tiêu biểu có hoạt động tích cực lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số trong thời gian qua.
Ngày hội Truyền thông Hà Giang năm 2023 gồm các hoạt động: Chương trình Họp báo thông tin về Hội nghị Văn hóa tỉnh và chuỗi các hoạt động được tỉnh Hà Giang tổ chức trong thời gian tới; Triển lãm số giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang với các video clip, hình ảnh đẹp về cảnh quan, bản sắc, văn hóa, lễ hội, điểm đến, sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.
Sự kiện chính thu hút sự quan tâm lớn sẽ diễn ra trong buổi chiều (từ 14h45 đến 17h00, ngày 25/10) là Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang”, với sự tham gia của các đại biểu, khách mời gồm: Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị trực thuộc; Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA); lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh. Đại biểu tỉnh Hà Giang có các đồng chí lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan, hiệp hội, hội, đoàn thể, doanh nghiệp viễn thông; các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương; đại diện các kênh thông tin, một số nghệ sĩ, cá nhân làm truyền thông tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.
Trong dịp này, sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác tại thành phố Hà Giang gồm: Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức xúc tiến thương mại và Hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang. Tổ chức trưng bày quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng gồm: Lễ khai mạc không gian trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc; trao giải Hội thi sản phẩm Trà Shan tuyết Hà Giang...
Tiếp đến, vào ngày 28/10, Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 được tổ chức với sự có mặt của các đại biểu Trung ương và địa phương, các chuyên gia nhà khoa học của Trung ương và nghệ nhân dân gian của tỉnh.
Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm đánh giá kết quả nổi bật của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về lĩnh vực văn hóa; kết quả 02 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; kết quả tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Cùng với đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thời gian qua; đồng thời, nhận diện thời cơ, thách thức và những vấn đề đang đặt ra, từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, Hội nghị đã nhận được tổng số 50 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương và các nghệ nhân dân gian, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh... Nội dung các bài viết tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục.
Vào 20h cùng ngày (28/10), tại Quảng trường Thanh niên (huyện Đồng Văn) sẽ diễn ra Lễ khai mạc Chương trình đón nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX tỉnh Hà Giang năm 2023 với chủ đề: “Cao nguyên đá nở hoa”.
Việc công nhận lại Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là vinh dự to lớn đối với Hà Giang, qua đó khẳng định thành công của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị nổi bật về di sản địa chất, tự nhiên và văn hóa đặc sắc, độc đáo.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX, 4 huyện vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã trồng hơn 400 ha hoa tam giác mạch chia thành 3 đợt, đảm bảo thời gian hoa nở kéo dài từ trung tuần tháng 9 đến hết tháng 12/2023. Tỉnh Hà Giang hiện vẫn tiếp tục thúc đẩy bốn huyện vùng gia tăng diện tích trồng hoa, trong đó huyện Đồng Văn - địa điểm chính diễn ra Lễ hội đã gieo trồng thêm 127 ha cây tam giác mạch, nâng tổng diện tích lên 333 ha. Các huyện vùng Cao nguyên đá cũng bố trí các vị trí trồng hoa để thuận lợi cho du khách tham quan, chụp ảnh như: Điểm dừng chân Cổng trời, điểm du lịch Thạch Sơn Thần (Quản Bạ); 2 bên đường các xã Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Cú (Đồng Văn); Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc)…
Theo Ban quản lý Công viên địa chất, nhằm tạo ra sự mới lạ so với các mùa lễ hội trước, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách. Theo đó, lễ hội có nhiều điểm cho du khách ngắm hoa, trình diễn giao lưu văn nghệ dân gian và trò chơi truyền thống như hát dân ca, thổi sáo, múa khèn, đập bóng, đánh yến, đu qua; giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương; các hoạt động gắn với đời sống của người dân cao nguyên đá như tẽ, xay, tung ngô vào quẩy tấu, địu ngô qua cầu…