Diễn biến mới vụ tố cáo lừa đảo hơn 40 tỷ đồng thông qua việc mua bán đất ở TP.HCM
Sau nhiều lần tạm đình chỉ để thu thập, xác minh các tài liệu liên quan đến vụ việc tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo hơn 40 tỷ đồng thông qua việc mua bán đất xảy ra trên địa bàn, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm do có kết quả cung cấp hồ sơ tài liệu của Văn phòng công chứng quận Bình Thạnh.
Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ký văn bản số 1759/TB-VPCQCSĐT-P3 thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ việc ông Hà Văn Duy và ông Nguyễn Văn Chiền (đều trú tại TP. Hà Nội) tố cáo ông Cao Văn Đạt (trú tại quận Bình Thạnh) có dấu hiệu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 44 tỷ đồng thông qua việc mua bán đất.
Nội dung thông báo nêu, căn cứ kết quả kết quả cung cấp hồ sơ tài liệu của Văn phòng công chứng quận Bình Thạnh TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông báo cũng được gửi đến ông Hà Văn Duy và Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM.
Theo tài liệu phóng viên có được, trước đó, Công an TP.HCM đã mời những người liên quan đến nội dung đơn tố cáo đến làm việc, tham gia đối chất nhằm làm rõ vụ việc.
Quá trình xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã nhiều lần ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định các tài liệu liên quan, đồng thời có văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra phục vụ giải quyết tố giác về tội phạm.
Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã có văn gửi Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM để chỉ đạo kiểm sát giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình kiểm sát, nếu phát hiện dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển đến Cơ quan điều tra VKSNDTC để giải quyết theo quy định.
Trong khi đó, ông Hà Văn Duy bức xúc: “Đây là vụ việc xảy ra từ tháng 3/2022 nhưng quá trình giải quyết kéo dài khiến công ty tôi đứng trước nguy cơ phá sản bởi số tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng hiện nay là rất lớn, trong khi người bị tố cáo vẫn nhởn nhơ ngoài phòng pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trình tự giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm sẽ được cơ quan điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thời hạn giải quyết tối đa là 4 tháng.
Tuy nhiên, với những vụ việc phải liên quan đến xác minh tại nhiều địa điểm, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản nhưng chưa có kết quả; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để chờ các kết quả là đúng quy định.
Trường hợp các lý do tạm đình chỉ đã hết, Cơ quan điều tra sẽ phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy đinh việc phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo đó, khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đáng chú ý là thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khi phục hồi sẽ không quá 1 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.
Sau khi hết thời hạn phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm 1 tháng cơ quan điều tra phải ra một trong 2 quyết định là khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Như Báo Công lý đã thông tin, trong đơn gửi báo và các cơ quan chức năng, ông Hà Văn Duy (P. Quang Trung, TX. Sơn Tây, TP Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Chiền (P. Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phản ánh về việc bị chiếm đoạt số tiền lớn thông qua việc mua bán đất xảy ra tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo đó, ngày 26/1/2021 tại nhà ông Cao Văn Đạt ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM, ông Đạt đã thỏa thuận chuyển nhượng 8 lô đất gồm các thửa 6,9,5,11,20,3,2,1 tờ bản đồ số 27 phường 13, thuộc quyền sử dụng của ông Đạt cho ông Hà Văn Duy và ông Nguyễn Văn Chiền thông qua hợp đồng đặt cọc. Tổng diện tích 8 lô đất khoảng 800m2, được chuyển nhượng với giá 60 triệu/1m2 tương đương là 48 tỷ đồng (đã bao gồm thủ tục sang tên và các loại phí khác).
Về phương thức thanh toán, bên mua thanh toán 40 tỷ đồng. Hợp đồng đặt cọc ghi rõ, Bên A (ông Đạt) cam kết đủ điều kiện nhận đặt cọc của bên B (ông Duy và ông Chiền) với số tiền 40 tỷ đồng. Trong thời hạn 3 tháng, bên A phải hoàn thành công chứng các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 8 thửa đất trên cho bên B. Nếu quá thời hạn, sau 15 ngày, bên A phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên B tính theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó. Trường hợp bên A quá hạn sau 60 ngày phải phạt số tiền gấp 1,5 lần số tiền đã đặt cọc.
Tuy nhiên, quá thời hạn 3 tháng, ông Đạt không thực hiện đúng theo hợp đồng đặt cọc mà đưa ra các lý do nhằm kéo dài thời gian nhưng sau đó vẫn không thực hiện.
Bị bên mua nhiều lần thúc giục, ngày 14/10/2021, ông Đạt đã ra Hà Nội và viết giấy cam kết trả lại toàn bộ số tiền cho bên mua. Theo nội dung trong giấy cam kết, hai bên đã thống nhất và chốt đến ngày 30/10/2021, ông Đạt trả lại số tiền theo hợp đồng đặt cọc và trả tiền lãi ngân hàng. Thế nhưng, theo phản ánh của ông Duy và ông Chiền sau đó, ông Đạt mới chuyển trả hơn 2 tỷ đồng rồi viện ra nhiều lý do khác nhau nhằm trì hoãn kéo dài. Bức xúc, bên mua đã làm đơn tố giác tội phạm, đề nghị cơ quan Công an xem xét xử lý.