Đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý “có tiền nhưng không tiêu được”
Thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, sáng 24/10, các đại biểu quốc hội đã đề nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết tình trạng “có tiền trong két mà không tiêu được”.
Theo báo cáo của Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng, nền kinh tế hiện nay khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, dư nợ tín dụng đến 29/9 chỉ tăng 6,92%, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu. Đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.
Dẫn số liệu đầu tư công 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 3,2%, theo Đại biểu Đỗ Tuấn Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang “đầu tư giảm đi nhiều, chứng tỏ tín dụng không tiếp cận được doanh nghiệp, người dân. Điều này cũng phản ánh tốc độ tiêu dùng, sức mua giảm, xuất khẩu giảm”.
Đại biểu Tuấn Phong đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh chính sách phân bổ, giải ngân vốn; Đặc biệt, đẩy mạnh kích thích tiêu dùng hàng hoá; triển khai hiệu quả gói tiếp cận vốn tín dụng, tránh tình trạng "tiền tồn trong ngân hàng" hay còn gọi là “nguồn tiền này ế”.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt trong giải ngân các gói vốn tín dụng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Có chính sách trợ giá, miễn thuế cho doanh nghiệp để kích thích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn.
Theo Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang- Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, dù Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5% nhưng cả năm dự kiến chỉ đạt 5%. Ngoài mục tiêu tăng trưởng không đạt, các lĩnh vực cần phải làm rõ như: thị trường bất động sản đóng băng, cổ phần hoá chậm, chứng khoán lên xuống thất thường, thất nghiệp gia tăng….
Ông Lâm đề nghị Chính phủ làm rõ tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, đầu tư phục hồi phát triển kinh tế không đạt mục tiêu và cần có giải pháp để giải ngân hiệu quả.
“Năm nay chỉ giải ngân 700 nghìn tỉ, theo % thì tiến độ giải ngân cao và đạt 90-95%, nhưng còn một lượng lớn tiền chưa tiêu được. Trong khi, chi thường xuyên còn hơn 50 nghìn tỉ, còn nguồn lực lớn chưa được phát huy. Phải làm rõ tình trạng, có tiền không tiêu nằm trong két, hạn chế, yếu kém này khiến tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng” ông Lâm nói.
Cho rằng không giải ngân là thách thức lớn, ông Lâm đề nghị “ phải đẩy mạnh giải ngân. Phải làm thế nào có tiền phải tiêu, tiêu hiệu quả, đầu tư chất lượng”. Ông Lâm cũng nhấn mạnh việc cải cách tiền lương phải tạo động lực cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát. Cùng quan điểm này, ở góc độ địa phương, Đại biểu Dương Văn Thái và cũng là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang cho rằng “ Hiện nay, ngân hàng có tiền nhưng doanh nghiệp không vay được, tiếp cận tín dụng rất kém. Đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp, vì tiền không đầu tư vào nền kinh tế, không phát triển được”.
Cho rằng “nền kinh tế thừa tiền, không tiếp cận được khi sản xuất khó khăn”, theo Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, Chính phủ cần quan tâm giải quyết các điểm nghẽn trong các lĩnh vực bất động sản, trái phiếu, chứng khoán. “Nếu không gỡ khó cho bất động sản, các dự án sẽ vẫn đóng băng, vật liệu xây dựng không bán được, tiền ứ đọng, sản xuất đình đốn” ông Hoàng Anh nói.
Ông Hoàng Anh đề nghị Chính phủ “lấy đầu tư công tạo động lực phát triển và gỡ khó cho nền kinh tế”. Theo hướng này, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần xác định rõ việc triển khai, chuẩn bị các dự án đầu tư công khả thi để giải ngân được vốn ngân sách, từ đó kích thích sản xuất, tiêu thụ.
Về vĩ mô, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ triệt để cải cách thủ tục hành chính, Quốc hội tăng giám sát để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đặc biệt, “Chính phủ cần tạo không gian tăng trưởng mới, không chờ xuất khẩu. Như tăng đầu tư vào xây dựng hạ tầng chiến lược như làm cao tốc, cảng biển, làm tan băng thị trường bất động sản… Có như vậy mới giải ngân được nguồn tiền không tiêu được đang tồn tại trong ngân sách hay ở các ngân hàng” ông Thịnh nói.