TAND TP. Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc từ các phiên tòa xét xử trực tuyến
"Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm giúp đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát hai cấp thành phố nâng cao chất lượng xét xử, tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng và ứng xử tại phiên tòa", đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội với PV Báo Công lý khi nói về những giá trị mang lại từ việc xét xử trực tuyến.
Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã phối hợp với VKSND TP. Hà Nội tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến hai cấp TP. Hà Nội đối với vụ án dân sự sơ thẩm “Tranh chấp chia thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến này nhằm giúp đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát hai cấp thành phố nâng cao chất lượng xét xử, tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng và ứng xử tại phiên tòa.
Trong vụ án dân sự sơ thẩm này, nguyên đơn là bà T.T.K. (SN 1969, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) kiện anh trai là ông T.Đ.M. (SN 1965, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) về việc chia thừa kế thửa đất hơn 500 m2 tại xã Phù Đổng do bố mẹ bà để lại và hiện do ông M. quản lý thửa đất này.
Bà K. cũng yêu cầu Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông M. để chia di sản thừa kế của bố mẹ bà K. để lại. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn.
Đây là tranh chấp về dân sự khá phổ biến tại nhiều địa bàn trong thành phố, người dân do chưa nhận thức đầy đủ pháp luật nên đã thực hiện nhiều thủ tục kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, thêm vào đó tại không ít cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện chức trách không đúng thẩm quyền, không theo các quy định pháp luật, dẫn đến những sai sót phải khắc phục.
Để giải quyết những vụ án này một cách nhất quán, liên ngành TAND TP. Hà Nội và VKSND TP. Hà Nội đã tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thẩm phán nắm bắt kiến thức thực tế và rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử.
Theo Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội đánh giá, tại phiên tòa trực tuyến này, liên ngành đã tổ chức truyền hình trực tuyến đến 33 điểm cầu, bao gồm điểm cầu thành phố, 30 quận, huyện, thị xã, đặc biệt là có thêm điểm cầu Học viện Tòa án và Đại học Kiểm sát Hà Nội, các học viên tham gia phiên tòa trực tuyến đã thu nhận được nhiều kiến thức thực tế.
Cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Thị Hà, việc xét xử trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, việc xét xử các phiên tòa trực tuyến trong thời gian qua cũng như hiện nay đã giúp cho công tác xét xử của Tòa án hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Đối với vụ án dân sự, xét xử trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải di chuyển từ khoảng cách địa lý xa đến trụ sở Tòa án để trực tiếp tham gia phiên tòa mà có thể tham gia phiên tòa ở điểm cầu gần nơi cư trú, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức cho người dân khi không phải di chuyển nhưng vẫn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; đồng thời xét xử trực tuyến cũng hạn chế việc người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa vì lý do phải di chuyển từ nơi cư trú xa trung tâm đến địa điểm mở phiên tòa trực tiếp.
Đối với vụ án hình sự, việc xét xử trực tuyến sẽ giảm thiểu được thời gian, chi phí, rủi ro, đảm bảo an toàn cho lực lượng dẫn giải và bị cáo từ nơi giam giữ đến nơi xét xử; đồng thời tạo điều kiện cho việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại phiên tòa cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Đối với Học viện Tòa án và Đại học Kiểm sát Hà Nội, trước đây, trong công tác đào tạo thường tổ chức các phiên tòa giả định để cho các học viên tham dự học hỏi. Tuy nhiên, phiên tòa thực tế này là một hình thức khá hữu ích và thực tế hơn, giúp các học viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích và lý thú, vì họ được trải nghiệm một phiên tòa thực sự, có những quy trình đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự… Từ đó, các học viên có thể thảo luận, trao đổi rút kinh nghiệm và áp dụng vào những kiến thức pháp luật mình đã học trên giảng đường.
Thông qua việc tham dự phiên tòa giúp các giảng viên, sinh viên trường Học viện Tòa án và Đại học Kiểm sát nâng cao chất lượng công tác đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm về kiến thức chuyên môn và hoạt động của các cơ quan tố tụng.
Nội dung các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm này được liên ngành triển khai đồng bộ trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính. Qua đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến trong hai cấp thành phố cho các đồng nghiệp để nâng cao chất lượng công tác xét xử”.