Vấn đề quan tâm

“Thị trường hóa” các giá trị nhân văn đang đe dọa trực tiếp trật tự an toàn xã hội

Gia Khánh 21/10/2023 11:30

Bộ Công an mới đây đã có văn bản góp ý thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) mà Bộ văn hóa thể thao và du lịch xây dựng.

the-gioi-ao.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Công an, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình là hết sức cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập, thực trạng của nền văn hóa Việt Nam và sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; tạo động lực, nguồn lực cho công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Góp ý nội dung trong dự thảo, Bộ Công an nhận xét, một số đánh giá về những thực trạng, hạn chế trong các lĩnh vực của ngành văn hóa còn tương đối chung chung hoặc còn thiếu. Bộ Công an đề nghị có đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn để chỉ rõ những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình, từ đó đề ra phương hướng để khắc phục.

Cụ thể, trong lĩnh vực di sản văn hóa, theo Bộ Công an, nền văn hóa truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của các dân tộc ít người bị biến động dữ dội, ngày càng bị mai một; hệ thống các luật tục, văn học, sử thi, dân ca, dân vũ truyền thống đang dứng trước nguy cơ bị đứt gãy, thất truyền... do đó, đề nghị Bộ VHTT&DL nghiên cứu, bổ sung thêm đánh giá về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.

image-20230401165730-1.jpeg
Nền văn hóa truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của các dân tộc ít người bị biến động dữ dội, ngày càng bị mai một. (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở và trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Công an đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng lãng phí một số thiết chế văn hóa như: nhà hát, nhà văn hóa...tại nhiều địa phương; đánh giá cụ thể hơn để làm nổi bật tính cần thiết của việc đẩu tư nhiều hơn nữa cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó cần khuyến khích xã hội hóa mạnh mẽ để cho các loại hình nghệ thuật này do chính cộng đồng bảo tồn, phát huy.

Đáng chú ý, về sự xâm lấn của sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung một số nội dung: “Những yếu tố ngoại lai có điều kiện xâm nhập, phát triển, ảnh hường tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội. Những “nọc độc” về văn hóa, chính trị thâm nhập vào bằng nhiều con đường, với nhiều hĩnh thức tinh vi khác nhau, làm cho tư tưởng, đạo dức, lối sống con người dễ bị nhiễm độc. Sự tha hóa về đạo đức, sự lãng quên các giá trị truyền thống, “thị trường hóa” các giá trị nhân văn, sự xuống cấp về giáo dục và thiếu vắng một “hệ giá trị Việt Nam”... không những đang cản trở việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn thẩm thấu vào nền tảng xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa ngoại lai, xuất hiện tình trạng thế hệ trẻ quay lưng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống; xuất hiện một lớp thế hệ trẻ với thị hiếu văn hóa dễ dãi, tôn thờ thần tượng, thưởng thức văn hóa theo các trào lưu trên mạng xã hội....”

Liên quan đến nội dung tăng cường trợ giúp pháp lý về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, Bộ Công an đề nghị bổ sung nhiệm vụ “Tăng cường công tác phòng, chống và xử lý hoạt động xâm hại di tích, hoạt động trộm cắp, mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bảo vệ tuyệt đối an toàn đối với các bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản”; đồng thời bổ sung phần trách nhiệm của Bộ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trước đó, tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, theo Bộ VHTT&DL, mục tiêu tổng quát của Chương trình hướng tới là tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam. Đồng thời, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước.

Cùng với đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người; Xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy sức mạnh mềm.

Cũng theo Bộ VHTT&DL, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng. Theo đó, năm 2025 cần 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 180.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031–2035 là 168.000 tỷ đồng.

Gia Khánh