Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La năm 2023
Chính trị - Ngày đăng : 22:07, 20/10/2023
Tham dự có: nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông...
Cùng dự có: Đại sứ một số nước và đại diện một số tổ chức quốc tế; đại diện một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Sơn La, các tỉnh lân cận và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.
Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc" được tổ chức nhân kỷ niệm 128 năm Ngày thành lập tỉnh Sơn La (10.10.1895-10.10.2023) và 15 năm thành lập TP. Sơn La (26.10.2008 - 26.10.2023). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để Sơn La và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm Cà phê Arabica; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê. Qua đó, góp phần phát triển vùng trồng Cà phê Arabica chất lượng cao, bền vững, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế Cà phê Arabica Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước.
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác lên thăm, làm việc tại tỉnh Sơn La và nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2023, Đoàn công tác của Quốc hội đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ kinh phí xây dựng 100 căn nhà an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Sơn La, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã thay mặt Đoàn công tác trao kinh phí hỗ trợ tới Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ.
Lễ hội cũng nhằm thực hiện mục tiêu liên kết các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; đưa tỉnh Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, Sơn La có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê chè Arabica. Ngay từ cuối những năm 1980, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo triển khai "Chương trình phát triển cây cà phê chè - Arabica". Trải qua nhiều thăng trầm, với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của người trồng cà phê, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cây cà phê chè - Arabica đã sinh trưởng và phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Diện tích cây cà phê tỉnh Sơn La đã phát triển từ 278 ha năm 1990 lên trên 20 nghìn ha năm 2023, chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng Cà phê Arabica lớn nhất cả nước, trong đó có gần 18 nghìn ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204 nghìn tấn quả tươi với giá trị thu từ bán sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng.
Sơn La cũng đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đã có 2 vùng cà phê được UBND tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La; thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng đưa vào hoạt động các Nhà máy chế biến cà phê có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.
Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhấn mạnh, tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm Cà phê Arabica Sơn La tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ cà phê, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm Cà phê Arabica nói riêng; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Lễ hội là sự kiện ghi dấu hành trình 70 năm của Cà phê Sơn La - từ loài cây cải thiện sinh kế đến thương hiệu đặc sản, vươn tầm thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng cà phê Sơn La. Trong đó, hợp tác giữa bà con nông dân với nhau, liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp sẽ giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường. Hợp tác, liên kết giúp tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích, cùng với cà phê, còn là trà cascara từ vỏ cà phê, là sản phẩm thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm từ cà phê…; đồng thời, giúp ngành hàng Cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương và chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Đề cập tiêu chuẩn EUDR của châu Âu quy định về các sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung. Đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh và bền vững là rất khó nhưng nếu không thực hiện, lại càng khó khăn hơn - khi người tiêu dùng ngày nay không chỉ tìm mua sản phẩm, mà còn quan tâm nhiều hơn đến cách thức, quy trình, xuất xứ… của sản phẩm được tạo ra. Bộ trưởng cũng lưu ý, liên kết, hợp tác, không dừng lại ở ngày một, ngày hai mà vừa cần sự kiên trì, xuyên suốt, vừa cần đến sự sẵn lòng ở mỗi người theo tinh thần "Kết sức mạnh, nối thành công".
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu đã cùng thưởng thức chương trình Nghệ thuật đặc biệt ca ngợi lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu sản phẩm Cà phê Arabica Sơn La, ca ngợi truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và truyền thống, bản sắc độc đáo, vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu con người, quê hương đất nước, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
+ Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác cùng Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã tới dâng hương, hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc.