Xã hội

Tổng Thanh tra Chính phủ làm việc với hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

Nguyễn Liên - Quang Huy 20/10/2023 - 22:01

Ngày 20/10, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang về tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất – nhập khẩu trên địa bàn.

Tại tỉnh Hà Giang, báo cáo tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất – nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ta, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Ngay từ đầu năm, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả. 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh ước đạt 20.051,1 tỷ đồng, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng điện giảm 20,29% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách đến Hà Giang trong 9 tháng đầu năm đạt 2.158,400 lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu du lịch đạt 12.034,7 triệu đồng, tăng 16,06% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải và dịch vụ kho bãi ước đạt 608,9 tỷ đồng, tăng 19,01% so với cùng kỳ.

ha-giang.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Về hoạt động đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Trung ương giao trên 6.200 tỷ đồng; trong đó cân đối ngân sách địa phương là hơn 1.200 tỷ đồng. Đến ngày 15/10, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 3.400 tỷ đồng, đạt khoảng 45% kế hoạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất – nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, công tác định giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng, khai thác vật liệu thông thường, vốn đối ứng các dự án, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh giảm đối với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét từ năm 2024 chỉ giao kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn, Iĩnh vực cụ thể; hàng năm được chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sang ngân sách năm sau để tiếp tục thực hiện và giải ngân; cho phép các địa phương được điều chỉnh nguồn vốn đầu tư phát triển kéo dài thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ các dự án chưa có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân. Xem xét bổ sung cho tỉnh Hà Giang thêm nguồn vốn trong dự toán ngân sách năm 2024, 2025 để tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình được giao.

Trao đổi với điểm cầu tỉnh Hà Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ với những khó khăn của tỉnh trong việc thực hiện sản xuất, kinh doanh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất – nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là trong việc thực hiện thu hồi đất lúa để thực hiện các dự án; quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng chí đề nghị các đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang cần phản ánh thực tế những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương để Quốc hội xem xét, tháo gỡ. Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ hứa tiếp thu báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

tq-12.jpg
Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022

Đối với tỉnh Tuyên Quang, đến quý III/2023, kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,06%, đứng thứ 2/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Trong 10 tháng, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 17.419 tỷ đồng, đạt 84,1% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực.

Toàn tỉnh trồng được 11.570 ha rừng, đạt 114,6% kế hoạch. Trong 10 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút được gần 2,3 triệu lượt khách du lịch đạt 91,4% kế hoạch năm, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 129,9 triệu USD, bằng 86,6% kế hoạch, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.036,8 tỷ đồng bằng 63,6% dự toán, bằng 96,5% so với cùng kỳ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang trên 6.900 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Tuyên Quang đến ngày 18/10/2023 đạt 36,09% kế hoạch.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023 để đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có 27 gói thầu, đến nay đã thực hiện xong 17 gói thầu, còn lại 10 gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng xong trong tháng 10/2023. Dự kiến trong tháng 10/2023 tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng.

Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 2 dự án của tỉnh gồm: Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào. Giao bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2023, gồm: Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang; dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Tuyên Quang.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chấp thuận Dự án Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn và phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; nguồn vốn phát triển xây dựng nhà ở xã hội và một số nội dung khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ những nguyên nhân và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Các ý kiến tập trung vào những nội dung việc triển khai các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

ttcp-.jpg

Thay mặt Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; công tác tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc.

Phát biểu với 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông báo một số nội dung phiên họp Chính phủ vừa qua; đồng chí đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của 2 tỉnh, các chỉ số tháng sau cao hơn tháng trước, đặc biệt là kim ngạch xuất, nhập khẩu; tổng mức bán lẻ; phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Hà Giang.

Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tập trung trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất – nhập khẩu trên địa bàn thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thực hiện các dự án trọng điểm. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, tránh để xảy ra tình trạng đơn, thư vượt cấp, các điểm nóng; tin dân, bám dân, giải quyết thấu đáo những vấn đề người dân đề xuất, khiếu nại. Phối hợp với các bộ, ngành, triển khai quyết liệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường quản lý thị trường, phòng, chống gian lận thương mại. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; luân chuyển những cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy công việc..

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức thanh tra trên phạm vi cả nước về thực trạng thực thi nhiệm vụ công vụ, thực hiện cho đầu tư phát triển do tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đang diễn ra làm chậm quá trình phát triển kinh tế của cả nước.

Nguyễn Liên - Quang Huy