Giáo dục

Trường Đại học Hải Phòng phải 'cất cánh' trong thời gian tới

Vũ Ba 19/10/2023 - 11:19

Đó là kỳ vọng của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lê Tiến Châu khi làm việc với Trường Đại học Hải Phòng, nghe báo cáo về Đề án Đổi mới và phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo, Trường Đại học Hải Phòng là cơ sở giáo dục Đại học trực thuộc UBND TP. Hải Phòng và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, Trường Đại học Hải Phòng đã trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, được định hướng phát triển trở thành Trường Đại học đa ngành trọng điểm của vùng, thành trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Hiện nay, Trường Đại học Hải Phòng có 32 đơn vị, trong đó có 11 Phòng ban, 12 Khoa, 6 Trung tâm và 3 Trường thực hành. Trường có 754 viên chức, người lao động với 9 Phó Giáo sư, 97 Tiến sĩ, 407 Thạc sĩ, 150 Đại học, 91 trình độ khác; trong đó có 417 giảng viên, tỷ lệ bình quân 21 sinh viên/giảng viên.

Trường có 6 địa điểm đào tạo đặt tại quận Kiến An và quận Ngô Quyền với tổng diện tích quy hoạch hơn 30 ha. Các địa điểm trên có hơn 1.000 phòng gồm giảng đường, phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, phòng nghiệp vụ, phòng hội thảo, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng ở cho sinh viên nội trú…

Tính đến năm 2023 - 2024, trường có tổng số 15.605 học viên (gồm 11.352 sinh viên chính quy, 1.038 học viên sau đại học, 3.215 học viên hệ vừa học vừa làm).

dai-hoc-hai-phong.jpg
Ông Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng báo cáo tại buổi làm việc.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, trường đã xây dựng dự thảo Đề án Đổi mới và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đánh giá, phân tích thực trạng các hoạt động của nhà trường; xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể phát triển nhà trường giai đoạn 2023 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2030 - 2045; tập trung các nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các công tác như cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất và thư viện, hoạt động hợp tác quốc tế, hoạt động hợp tác trong nước và phục vụ cộng đồng, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tài chính.

Thực hiện thành công Đề án sẽ góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đến năm 2030, nhà trường giảm 09/32 đơn vị thuộc trường (28,12%). Cơ cấu nhân lực được tối ưu với số lượng giảng viên chiếm tỉ lệ 65-70%; số người làm công việc hành chính, hỗ trợ, phục vụ chiếm tỉ lệ 30-35%. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của giảng viên từng bước được nâng cao; trong đó đến năm 2025, có trên 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 20% giảng viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy; đến năm 2030, có trên 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 30% giảng viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy; đến năm 2045 có trên 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Viên chức, cán bộ quản lý và người lao động được nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về nhân lực quản trị đại học luôn đổi mới, sáng tạo.

bi-thu-thanh-uy-lam-viec-voi-dai-hoc-hai-phong-.jpg
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc

Đề án cũng góp phần hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, đơn vị; quy chế hoạt động, quy trình giải quyết công việc, nguyên tắc phối hợp giữa hoạt động quản trị của Hội đồng trường, hoạt động quản lý của Ban Giám hiệu và của các đơn vị; tạo sự đồng bộ, đoàn kết, năng động, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà trường.

Đề án sẽ cung cấp nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành kĩ thuật - công nghệ, thư viện, hệ thống quản trị đại học số, trung tâm thể dục thể thao, khu ký túc xá và hệ thống hạ tầng kĩ thuật khác…; thực hiện đổi mới mạnh mẽ, triệt để mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp đào tạo; đổi mới các hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng giáo dục, hợp tác quốc tế…

Từ đó, trường có thể tăng quy mô đào tạo từ 12.000 sinh viên chính quy trình độ đại học hiện nay lên 15.000 sinh viên vào năm 2030 và trên 20.000 sinh viên trong giai đoạn 2031-2045.

bi-thu-thanh-uy-lam-viec-voi-dai-hoc-hai-phong.jpg
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu chỉ đạo

Sau khi nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo và các sở, ban, ngành phát biểu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu ghi nhận, qua 64 năm phát triển với những giai đoạn thăng trầm, nhà trường đã đào tạo được đội ngũ nhân lực có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khu vực, cũng như đất nước. Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của nhà trường trong việc xây dựng Đề án, tiếp thu chọn lọc nhiều ý kiến giá trị từ các sở, ngành thành phố.

Lãnh đạo thành phố cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án đã được xây dựng, đề nghị lưu ý trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cần tinh gọn, đầu tư nâng tỷ lệ giảng viên lên 70% số lượng viên chức, người lao động nhà trường; tăng cường thu hút và đào tạo giảng viên chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ.

Về cơ sở vật chất, lãnh đạo thành phố đề nghị nhà trường bàn giao lại thành phố một số địa điểm không phát huy hiệu quả để bán đấu giá, thu về kinh phí, phân kỳ đầu tư có trọng điểm các công trình của nhà trường.

Bí thư Thành ủy ủng hộ chủ trương đầu tư phòng thực hành, phòng nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tế của xã hội; tranh thủ nguồn lực để thực hiện các Đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào quản lý điều hành hướng tới mục tiêu chuyển đổi số.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhà trường để triển khai Đề án thành hiện thực; đồng thời đặt nhiều kỳ vọng để Trường Đại học Hải Phòng cất cánh trong thời gian tới.

Vũ Ba