Chính trị

Thành ủy Hà Nội và TP.HCM hợp tác toàn diện nhiều lĩnh vực

Kim Sáng 18/10/2023 - 20:44

Thành ủy Hà Nội và TP.HCM sẽ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến kinh tế, văn hóa, thể thao, báo chí, tuyên truyền...

Chiều 18/10, tại TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự buổi làm việc.

z4795696507269_20ce5cd9d891a2279701fb0ed22416bb.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thành ủy TP Hà Nội và Thành ủy TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu nhằm hợp tác phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai thành phố, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của hai địa phương phát triển nhanh và bền vững.

z4795695811022_0908c4031d036f9be01b7c8e15c6caf2.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại buổi làm việc.

Các lĩnh vực gồm: Công tác xây dựng, hệ thống chính trị; quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách; thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư; quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quốc phòng, an ninh; báo chí, tuyên truyền.

Ở lĩnh vực quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách, hai địa phương sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương đối với từng địa phương; công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; công tác xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai Chính phủ điện tử, cải cách hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công tác quản lý dự án đầu tư, quản lý doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản.

z4795696145767_750bd9fae4a48e8cdbaaa4480bfbb540.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Ở lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, Thành ủy TP Hà Nội và Thành ủy TP.HCM sẽ chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, dư luận xã hội; chỉ đạo các cơ quan báo chí hai thành phố, truyền hình hai địa phương trao đổi kinh nghiệm, phối hợp xây dựng chương trình tuyên truyền về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của hai thành phố.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội và TP.HCM đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở hai địa phương trong 9 tháng đầu năm 2023.

z4795696022413_9a6282c6858fd931fd25b84e207b0cd0.jpg
Thành ủy Hà Nội và TP.HCM ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tại TP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,08%; trong đó, quý sau tăng cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,81%, Quý II tăng 5,93%, Quý III tăng 6,49%; tuy nhiên), tăng thấp hơn 9 tháng đầu năm 2022 (9,69%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 8,6%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (cùng kỳ tăng 19,6%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 12,6% (cùng kỳ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5% (cùng kỳ tăng 33,1%).

Tổng thu ngân sách nhà nước 305.321 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán và tăng 24,6% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 60.074 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán, tăng 23,2% so với cùng kỳ, trong đó: chi đầu tư phát triển 25.500 tỷ đồng, đạt 54,3% dự toán.

z4795696246391_c2273e9b4dbb7c36d5c91a6a16e3a851.jpg
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội.

TP.HCM trong 9 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,57% so với cùng kỳ, trong đó Quý III/2023 tăng 6,71%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2%; 04 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2% (cùng kỳ tăng 13,8%); kim ngạch nhập khẩu giảm 17,2% (cùng kỳ tăng 10,3%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6%.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp). Tổng doanh thu du lịch tăng 35,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước: 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và bằng 93,65% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 232.681 tỷ đồng, đạt 71,91% dự toán, bằng 95,78% so cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương 57.051 tỷ đồng, đạt 45,16% dự toán, tăng 38,54% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố 11.181 tỷ đồng, đạt 24,29% dự toán, tăng 19,75% so cùng kỳ.

z4795695928357_d09edaf3d4fd12255479f83675d305c3.jpg
Lãnh đạo hai địa phương chụp hình lưu niệm.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, cả hai địa phương đều đảm bảo duy trì, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhất là về các chế độ, chính sách an sinh xã hội luôn được triển khai bảo đảm chặt chẽ, chăm lo đúng đối tượng; công tác giáo dục và đào tạo không ngừng đổi mới, từng bước cải thiện phương pháp dạy và học phù hợp với thực tiễn và hội nhập quốc tế; công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả. Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận tiếp tục được hai địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực...

Tại biên bản ghi nhớ, hai địa phương đã thỏa thuận trong quá trình thực hiện, nếu có bổ sung và điều chỉnh, UBND hai thành phố chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể và trình lãnh đạo hai thành phố xem xét, quyết định.

Đồng thời, định kỳ 1 năm một lần tổ chức sơ kết đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ, trong đó, có đề xuất việc trao đổi, mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tham gia Hội nghị định kỳ hàng năm.

Kim Sáng