Cần rà soát kỹ đề xuất 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa
Một số thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN) vừa có ý kiến về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất.
Mục tiêu vừa rộng, vừa trùng lặp
Trước đó, tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, một trong những mục tiêu mà Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam (Chương trình) hướng tới là nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới.
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT & DL), tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2025 cần 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần 180.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031–2035 là 168.000 tỷ đồng.
Tham gia ý kiến thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, là Cơ quan thường trực HĐTĐNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Báo cáo đề xuất thể hiện mục tiêu chủ yếu tập trung vào đầu tư lĩnh vực văn hóa, chưa tập trung vào phát triển con người, mục tiêu vừa rộng, vừa trùng lặp với một số mục tiêu Chương trình MTQG, Chương trình, chiến lược trong lĩnh vực văn hóa đã được phê duyệt; chưa làm rõ mục tiêu thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (vượt ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam) đảm bảo tính khả thi trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
“Đề nghị rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của Chương trình đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, tránh trùng lắp với các Chương trình MTQG đang triển khai và các Chương trình, chiến lược về văn hóa đã được phê duyệt, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình”, Bộ KH&ĐT ý kiến.
Bộ này cũng đề nghị làm rõ thời gian thực hiện Chương trình có đảm bảo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cũng như dự kiến tiến độ thực hiện Chương trình cụ thể tương ứng với từng giai đoạn.
Theo Bộ KH&ĐT, báo cáo đề xuất mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách Trung ương, chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của Chương trình; tổng vốn đầu tư chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô Chương trình. Đề nghị Bộ VHTT&DL làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư Chương trình, trong đó tổng mức vốn đầu tư phải tính toán bám sát mục tiêu, quy mô của Chương trình.
Cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình theo Bộ KH&ĐT là chưa có sự thống nhất. Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư Chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, đồng thời, phân kì đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
Đáng chú ý, tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Bộ VHTT&DL tính toán, với 180.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030, trong đó vốn NSTW hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 60%. Phần vốn NSĐP khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%). Ngoài ra, còn có vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 36.000 tỷ đồng (chiếm 20%).
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, báo cáo chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả theo quy định tại Luật Đầu tư công. Đối với nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW, đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở để đề xuất nguồn lực cụ thể cho giai đoạn 2026-2030 cũng như giai đoạn 2031- 2035.
Bộ này lưu ý, theo Luật Đầu tư công, trước ngày 30/6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (tương đương ngày 30/6/2024), Bộ KH&ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng, tiêu chí phân bổ mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, đề nghị nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể nguồn hỗ trợ từ NSTW đầu tư cho Chương trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với nguồn vốn huy động từ NSĐP, theo nhận xét của Bộ KH&ĐT, báo cáo của Bộ VHTT&DL mới dự kiến các nguồn huy động; chưa quy định về tỷ lệ vốn đối ứng từ NSĐP; chưa thể hiện nhu cầu của các địa phương. Đề nghị giải trình, làm rõ cơ sở xác định nguồn vốn huy động từ NSĐP. Với nguồn vốn huy động hợp pháp khác, đề nghị làm rõ số vốn cụ thể của từng nguồn vốn và cơ sở xác định.
Cần nghiên cứu kỹ trong bối cảnh đất nước còn khó khăn
Tham gia ý kiến thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Bộ Nội vụ đánh giá 350.000 tỷ đồng tổng vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2035 là rất lớn. Đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc này cũng là để bảo đảm việc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao.
Cho ý kiến về đề xuất của Bộ VHTT & DL, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung "Xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng, bảo trợ, vốn mồi qua các khoản tạm ứng và các chương trình tín dụng, các khoản vay lãi suất thấp cho các nghệ sĩ, dự án, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.”
Bởi qua rà soát toàn bộ nội dung tại Báo cáo đề xuất, Ngân hàng Nhà nước thấy dự thảo đã có quy định về giải pháp tập trung nguồn lực tín dụng thông qua 2 ngân hàng chính sách gồm: chính sách tín dụng đầu tư (tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và tín dụng chính sách xã hội (tại NHCSXH).
Hơn nữa, hiện nay, hoạt động tín dụng thương mại thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại, theo đó, các khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng này tại các ngân hàng thương mại đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong khi, theo quy định, Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp vào hoạt động kinh doanh. Và tại 03 Chương trình MTQG đang triển khai giai đoạn 2021 -2025, cũng không quy đinh các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình thông qua các ngân hàng thương mại.
Về sự cần thiết xây dựng Chương trình, tham gia ý kiến, Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung cơ sở thực tiễn như thực trạng lĩnh vực văn hóa (thành tựu và tồn tại, hạn chế), bối cảnh trong nước và quốc tế, các yếu tố tác động đến văn hóa và phát triển con người Việt Nam... để từ đó làm rõ hơn sự cần thiết xây dựng Chương trình.
Liên quan tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2035 dự kiến khoảng 350.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện Chương trình, trong 11 năm từ 2025 đến năm 2035, Bộ Y tế có quan điểm: Đối với lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực khó đo lường kết quả đầu ra, đề nghị làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và phù hợp với người dân Việt Nam.
Văn nghệ sĩ rất vui mừng
Trong khi đó, cho ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, Văn nghệ sĩ rất vui mừng khi đón nhận thông tin kinh phí của chương trình với số tiền đề xuất là 350.000 tỷ đồng. Kỳ vọng Chương trình này sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi mới để VHNT Việt Nam cất cánh và điểm đến cuối cùng chính là có nhiều tác phẩm hay, làm rung động lòng người và sống mãi với thời gian. Các tác phẩm mới sẽ góp phần củng cố lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tạo ra được khát vọng vươn lên của dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thống nhất đối với nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Việc xây dựng và triển khai Chương hình là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.