Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hội nghị quốc tế COP10: Hướng tới chất lượng sống cho cộng đồng

Ngọc Toàn 17/10/2023 15:30

Lịch trình Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) đã cận kề. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan trong nước vẫn chưa thống nhất về quan điểm quản lý kiểm soát thuốc lá mới. Do đó, tại hội nghị quốc tế COP10, Việt Nam có thể lắng nghe quan điểm của các quốc gia khác về những sách lược hiệu quả, phù hợp, cấp tiến để làm cơ sở tham khảo cho việc đưa ra quyết định chiến lược trong nước.

Nhiều khuyến nghị sẽ được trình tại hội nghị quốc tế COP10

Hội nghị quốc tế COP được tổ chức mỗi 2 năm, là nơi để các quốc gia bàn bạc về các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá toàn diện. Năm nay, trọng điểm thảo luận sẽ hướng tới mục tiêu tìm kiếm giải pháp cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng, bao gồm mọi đối tượng, trong đó có người hút thuốc. Bên cạnh đó, hội nghị cũng là nơi tập hợp báo cáo của 183 quốc gia tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) về tình hình và hiệu quả thực tiễn trong vấn đề kiểm soát thuốc lá của mỗi nước.

Là một trong những quốc gia thành viên tham gia FCTC từ rất sớm, Việt Nam đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Dưới sự dẫn dắt của Trưởng đoàn là Bộ Y tế, các bộ ngành khác của Việt Nam gồm Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… cũng nằm trong danh sách chủ chốt của phái đoàn tham gia COP. Theo đó, quan điểm quốc gia được đưa ra tại hội nghị là các ý kiến, quan điểm đã thông qua sự thống nhất của các bộ ngành trong nước.

phai-doan-vn-tai-cop7-nam-2016-voi-truong-doan-la-thu-truong-bo-y-te-cung-dai-dien-cac-bo-nganh-lien-quan-nhu-bo-cong-thuong-bo-tai-chinh-vpcp-nguon-vinacosh-.jpeg
Phái đoàn Việt Nam tại COP7, năm 2016 với Trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Y Tế cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ (Nguồn: Vinacosh)

Phái đoàn Việt Nam với sự tham gia liên bộ - ngành sẽ đem đến quan điểm bao quát về các khía cạnh của vấn đề kiểm soát thuốc lá mới, hợp nhất tiếng nói quốc gia trên cơ sở cân bằng, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.

Tuy chưa có quyết sách đối với khung pháp lý dành cho thuốc lá mới trong kỳ họp COP10 tới đây, nhưng báo cáo được trình bày sẽ đúc kết từ ý kiến của các bộ ngành liên quan về thực trạng trong nước, từ đó giúp cơ quan chủ trì COP là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ban Thư ký FCTC nắm rõ hơn về tình hình Việt Nam để đưa ra những khuyến nghị phù hợp với bối cảnh thực tiễn của quốc gia. Tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ thương vong do thuốc lá tại Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung bằng những chiến lược phù hợp, trong đó có việc cân nhắc nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp của đối tượng chủ thể chính của chiến lược này, đó là người hút thuốc.

Các ý kiến đa chiều cần sớm được thống nhất

Gần như khả năng cao tại COP10, quan điểm của đại diện Việt Nam sẽ chỉ dừng lại ở việc báo cáo thực trạng kiểm soát thuốc lá trong nước. Lý do là vì các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, thống nhất trong việc tìm giải pháp ứng xử phù hợp với thuốc lá mới.

Thực tế đến nay, vấn đề kiểm soát thuốc lá mới không chỉ còn là câu chuyện giữa các Bộ, mà còn là mối quan tâm của nhà chức trách và các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan của Quốc hội.

dbqh-leo-thi-lich-bac-giang-cho-rang-cong-tac-quan-ly-long-leo-dan-den-san-pham-thuoc-la-moi-tran-lan-ngoai-thi-truong.png
Trong tọa đàm do Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc Hội và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 12/10 vừa qua, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng công tác quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng các sản phẩm thuốc lá mới tràn lan ngoài thị trường.(Nguồn: Báo Công Thương)

Trước đó, trong hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” tháng 7/2023 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải có hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ mọi loại thuốc lá, bởi không có thuốc lá nào là vô hại.

Theo đó, ông Nhưỡng nêu ra 4 chính sách mà Chính phủ Việt Nam cần tuân thủ: Đầu tiên, là chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tiếp theo là chính sách bảo vệ giới trẻ. Bên cạnh đó là chính sách quản lý hàng hóa. Ngoài ra không thể thiếu chính sách về đối ngoại, phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về môi trường theo luật pháp quốc tế, các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Trước đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch hội Dược học Việt Nam cũng nêu ý kiến tại tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện quản lý ngay theo Luật hiện hành" do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức vào tháng 4/2023: “Điều kiện lý tưởng là làm sao để chúng ta bỏ luôn thuốc lá, nhưng đây là điều không thể thực hiện trong khoảng thời gian trước mắt. Cho nên chúng ta chấp nhận giải pháp là phải phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chúng ta gọi thuốc lá thế hệ mới là các giải pháp giảm tác hại là vì chúng ta đang muốn giảm tác hại cho người hút thuốc so với thuốc lá điếu truyền thống”.

Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Công văn 8750 chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan cùng thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên sau 6 năm, chính sách này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các Bộ ngành vẫn còn thận trọng trong việc đưa ra biện pháp ứng xử đối với thuốc lá mới thì COP10 là cơ hội để Việt Nam tham khảo về kinh nghiệm quản lý hiệu quả các sản phẩm này thông qua dữ liệu đời thực từ các quốc gia đi trước. Song song đó, Việt Nam cũng có thể cùng các nước lên tiếng kêu gọi WHO và Ban Thư ký FCTC triển khai thực hiện và cung cấp thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu toàn diện về khoa học, kỹ thuật của sản phẩm thuốc lá mới. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam xem xét và cân nhắc, đưa ra quyết định cuối cùng đối với sản phẩm này trong thời gian sắp tới.

Ngọc Toàn