Cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 14:55, 17/10/2023
Nhận lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 18-20/10/2023.
Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và GCC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.
Tổ chức quan trọng hàng đầu tại Trung Đông
Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. Tổng diện tích các quốc gia thành viên là 2,67 triệu km2, dân số 56 triệu người. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.
Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt (4/6 nước GCC là thành viên OPEC trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này), các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, trung bình khoảng 38.447 USD/năm.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, tổng GDP của GCC được dự báo đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2050. Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu các quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), PIF (Saudi Arabia, tài sản ước tính khoảng 603 triệu USD), QIA (Qatar, tài sản ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.
Thời gian gần đây, các nước GCC đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đang dành nhiều nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu này. Saudi Arabia dự kiến chi 186 tỷ USD cho phát triển kinh tế xanh; UAE có kế hoạch đầu tư 163 tỷ USD cho sản xuất năng lượng tái tạo theo lộ trình đến năm 2050. Các quốc gia khác như Bahrain, Oman, Kuwait và Qatar có kế hoạch chi hơn 150 tỷ USD cho phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng.
Hiện GCC đã có cơ chế đối thoại với nhiều quốc gia và tổ chức (trong đó có ASEAN, Các nước Trung Á, EU, AL, OIC,…) với các cấp độ khác nhau, cao nhất là đối thoại chiến lược. Trong số các đối tác đối thoại của GCC có Trung Quốc (2010), Nga (2011), Nhật Bản (2012), Malaysia (2011), Australia (2011), Anh (2012), Kazakstan và Uzbekistan (2021), Bangladesh (2022), Ấn Độ (2022), Tunisia (2023)…
Tất cả thành viên GCC đều là đối tác ưu tiên của Việt Nam
Tất cả 6 nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên của Việt Nam Trung Đông – châu Phi với quan hệ trải rộng trong nhiều lĩnh vực gồm chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, ODA, lao động…
Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Việt Nam và 4 nước GCC (Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE) đã mở Đại sứ quán ở nhau.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam đạt hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.
Một số quỹ đầu tư, tập đoàn trong khu vực đang đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, song số liệu không được thống kê đầy đủ. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.
Trong khi đó, Việt Nam và Saudi Arabia lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Hai nước đã tiến hành họp Tham vấn chính trị lần thứ nhất tại Riyadh tháng 2/2023. Hai bên có kế hoạch họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 5 tại Hà Nội trong năm 2023. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng.
Về hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Saudi Arabia đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn Zamil Steel, Tập đoàn Sabic thành lập Công ty TNHH Sabic Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Saudi Arabia đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 13 dự án với tổng trị giá hơn 181 triệu USD.
Năm 2021, Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman (KSrelief) đã trao tặng Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam số tiền 166.666 USD để hỗ trợ nhân dân khó khăn tại các tỉnh An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 150.000 USD để hỗ trợ nhân dân chịu thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền Trung trong năm 2020; tặng vật tư y tế trị giá 500.000 USD để giúp Việt Nam phòng chống COVID-19.
Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 5.000 lao động làm việc tại Saudi Arabia, chủ yếu là lao động phổ thông.
Nâng tầm quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả
Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Đối thoại và hợp tác trở thành nhu cầu cấp thiết của các nước, nhất là những nước vừa và nhỏ. ASEAN chủ trương vừa làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước lớn, vừa mở rộng quan hệ với các nước, tổ chức khu vực trên thế giới, nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững và xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia.
Chuyến công tác nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.
Việc Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Saudi Arabia sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, nâng tầm quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thương mại, đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao... tại Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập thị trường Saudi Arabia, Saudi Arabia tăng cường tiếp nhận lao động có tay nghề cao của Việt Nam.