Gây thương tích cho người khác khi “ngáo đá” có bị xử lý hình sự?
Theo Luật sư, người có biểu hiện “ngáo đá” do sử dụng chất kích thích mà có hành vi gây thương tích cho người khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc sử dụng chất kích thích dẫn tới hạn chế hoặc không kiểm soát được hành vi gây ra cũng không phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nghi "ngáo đá", chém loạn xạ người đi đường
Trước đó, khoảng 9h30 ngày 16/10 tại đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP.HCM, một nam thanh niên có biểu hiện bất thường, không mặc quần áo cầm hung khí đi lang thang trên đường.
Bất ngờ, người này lao vào quán cà phê ở đầu hẻm 108 Nguyễn Thiện Thuật, sử dụng hung khí đuổi chém nhiều người. Lúc này, mọi người trong quán cà phê hoảng hốt bỏ chạy, một số người bị chém trúng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau đó, nam thanh niên tiếp tục chạy ra đường cầm hung khí tấn công một số người đi đường.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an quận 3 đã phong tỏa hiện trường, tìm cách khống chế đối tượng. Tuy nhiên, nam thanh niên cầm hung khí chạy về hướng chợ Bàn Cờ, sau đó tự dùng dao gây thương tích cho mình.
Hiện, Công an quận 3, TP.HCM đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ điều tra làm rõ nguyên nhân.
Rất nhiều độc giả theo dõi sự việc trên bày tỏ sự bức xúc, lo lắng và bất an đối với những đối tượng “ngáo đá” đi lại nghênh ngang trên đường. Trường hợp đối tượng “ngáo đá” gây thương tích cho người khác sẽ bị xử lý thế nào? Nếu chống trả, gây thương tích cho kẻ ngáo đá, có phạm tội hay không?
Hành vi nguy hiểm cho xã hội
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, những trường hợp “ngáo đá” có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng nguy hiểm cho xã hội. Đối với hành vi của nam thanh niên nêu trên khiến nhiều người không ngờ tới, thậm chí “trở tay không kịp” dẫn tới không kịp chạy thoát thân và bị tấn công dẫn đến thương tích.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, theo Luật sư Khuyên, trong trường hợp xác định hành vi của nam thanh niên bị “ảo giác” do ma túy gây ra thì hành vi gây ra trong lúc bị ảo giác do dùng chất kích thích vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó: “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Việc sử dụng chất kích thích dẫn tới hạn chế hoặc không kiểm soát được hành vi gây ra cũng không phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp, cơ quan điều tra xác định được nam thanh niên có tiền sử bệnh lý tâm thần hoặc tại thời điểm gây án đối tượng này không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Cụ thể “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì người này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp chống trả người có hành vi “ngáo đá”, theo Luật sư Khuyên, nếu chống trả vượt quá hành vi tự vệ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý tùy vào mục đích gây hại đối phương.
Dấu hiệu nhận biết đối tượng "ngáo đá"
Chia sẻ về kỹ năng đối phó với đối tượng “ngáo đá”, một chuyên gia tội phạm học cho hay, để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá”.
Theo đó, có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay liên tục; liên tục uống nước; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ; da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể; men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng; hay bị chảy máu cam… đặc biệt, khi bị “ngáo đá” đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn…
Khi đang di chuyển trên đường bằng phương tiện xe máy, phát hiện có người “ngáo đá” di chuyển đến gần, nếu nhận thấy có thể tránh được nên chạy xe tránh xa đối tượng, tránh hiếu kỳ dừng lại xem. Nếu nhận thấy khó tránh đối tượng hoặc khó có cơ hội tránh, cần phải tấp xe vào lề, rút chìa khóa, di chuyển ra xa đối tượng để an toàn.
Trong trường hợp di chuyển bằng xe ôtô, nếu đối tượng tiến đến gần nhận thấy không thể tránh được, cần kiểm tra bấm khóa cửa xe. Nếu đối tượng đập phá xe, không nên vội vàng mở cửa xe ra xem hoặc xung đột với đối tượng, cần bình tĩnh ngồi trong xe quan sát đặc điểm nhân dạng đối tượng, đánh giá tính chất, mức độ nếu nhận thấy đủ khả năng không chế đối tượng mới rời khỏi xe để khống chế đối tượng, hô hào người dân trợ giúp.
Nếu nhận thấy đối tượng quá hung hãn nên cố thủ trong xe chờ trợ giúp hoặc có cơ hội thoát đi. Khi đang đi bộ, gặp đối tượng bị “ngáo đá” có thể tránh sang hướng khác, nếu có trẻ em cùng đi cần phải lo an toàn cho trẻ em trước, tránh thật xa đối tượng, tuyệt đối tránh hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần đối tượng.
Nếu đang ở nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị… gặp đối tượng “ngáo đá” cần di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa đối tượng, không hiếu kỳ đứng xem, không đứng xen vào đám đông hiếu kỳ.
“Khi chẳng may bị kẻ ngáo đá tấn công, khống chế trong mọi trường hợp, chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo làm theo yêu cầu của đối tượng để bảo vệ mình và tìm thời cơ thích hợp hoặc nhờ người xung quanh hỗ trợ để tìm cách thoát thân”, chuyên gia khuyến cáo.