Pháp đình

Các cựu Giám đốc khai về sai phạm trong dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

Mạnh Hùng 17/10/2023 - 13:23

Sáng 17/10, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng, tại giai đoạn 2 Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bước sang ngày làm việc thứ 2 .

6c2b11df-df93-4eee-9a8d-de99bec6f2e3.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Thuật, cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1 bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa, cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1cho rằng nhà thầu đã thực hiện đầy đủ quy trình, nếu có hỏng hóc thì đó chỉ là sai sót cục bộ, không đại diện cho toàn tuyến, cho toàn bộ lớp vật liệu. Công trình không có hư hỏng bởi “thực tế công trình hiện nay không hư hỏng’’.

Cũng theo bị cáo Thuật, quá trình điều tra, nhà thầu có đơn gửi cơ quan điều tra khẳng định nếu có sai sót nhà thầu sẵn sàng khắc phục, thực hiện bảo hành đúng như hợp đồng. Ngoài ra, bị cáo Thuật cho rằng tội danh bị truy tố liên quan công tác đầu tư, còn bị cáo là nhà thầu, đã thực hiện đầy đủ các quy trình thi công và chấp hành quy định khác.

Theo cáo trạng truy tố, cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1 Nguyễn Văn Thuật đã cùng tư vấn giám sát và đệ trình văn bản đến Ban QLDA cho sử dụng mỏ đá đồi để thi công lớp đá dăm gia cố nhựa, tuy không được chấp nhận nhưng vẫn sử dụng đá này để thi công.

Đại diện nhà thầu này đã ký 28 biên bản nghiệm thu chuyển giai đoạn thi công lớp đá dăm gia cố nhựa và 262 tài liệu chi tiết liên quan việc nghiệm thu, 747 tài liệu liên quan công tác thi công, nghiệm thu lớp bê tông hạt nhựa trung…, VEC đã thanh toán đối với các lớp vật liệu không đảm bảo chất lượng trong thời gian Nguyễn Văn Thuật phụ trách là 47,5 tỉ đồng.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thiên Nam, cựu giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1 cũng cho rằng bản thân đã tuân thủ đúng quy trình. Bị cáo Nam nói: “Tuy nhiên bây giờ dựa trên kết quả giám định xác định là chất lượng không đạt thì cũng rất là khó nói, vì công trình đã đưa vào khai thác 2 năm rồi, kết quả vẫn đang sử dụng. Lấy một mẫu giám định rồi kết luận trên diện rộng không đạt thì…’’.

Trước lời khai trên, chủ tọa phiên tòa nêu vấn đề, trong 9 gói thầu A1, khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và cơ quan chức năng đi kiểm tra thì nguồn vật liệu bị kết luận có nhiều nội dung vi phạm nhất, ông Nam vẫn khẳng định ở gói thầu A1, bị cáo đã tuân thủ trình tự thi công, không cố tình làm sai.

Theo bị cáo Nam, tội danh bị truy tố đối với mình là quá nặng nề, ''có sai sót ở đâu đó thì cũng chỉ là sai sót cục bộ, toàn bộ công trình rất dài không tránh được hư hỏng cục bộ''. Nhưng bị cáo Nam cũng nói thêm ''nói thế không phải bị cáo không có trách nhiệm gì''. Cũng vì thấy có trách nhiệm nên bị cáo Nam và gia đình đã nộp khắc phục hậu quả vụ án 50 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phong tỏa tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng của bị cáo Nam để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Hữu Sơn, cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A2 khai chỉ làm giám đốc chất lượng trong vòng 1 tháng, sau đó thì một người Trung Quốc thay thế bị cáo. Gói thầu A2 có nhà thầu là Công ty Sơn Đông (Trung Quốc), giám đốc dự án cũng là người Trung Quốc.

Bị cáo Sơn khai rằng trong thời gian 1 tháng đó, bị cáo chỉ ngồi văn phòng, đọc và nghiên cứu hồ sơ để triển khai. "Vai trò của bị cáo rất mờ nhạt", bị cáo Sơn nói. Tuy nhiên, bị cáo Sơn thừa nhận có ký 99 tài liệu bổ trợ gồm xác nhận kết quả thí nghiệm với vai trò giám đốc quản lý chất lượng, gây thiệt hại 400 triệu đồng.

Về kết quả giám định, cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A2 không có ý kiến gì nhưng về tội danh, bị cáo Sơn cho rằng truy tố của VKS đối với bị cáo là rất nặng vì bị cáo chỉ làm có 1 tháng. Bị cáo Sơn cũng cho biết thêm bị cáo chưa nộp khắc phục hậu quả vụ án vì đã bị kê biên 4 lô đất, vợ bị cáo đang bị ung thư, hoàn cảnh rất khó khăn.

Mạnh Hùng