Bất động sản

Thay đổi tích cực trong phân khúc bất động sản công nghiệp

N.T.D 15/10/2023 - 10:17

Số liệu báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 9 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI vào Việt Nam vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây, do xu hướng chuyến dịch đầu tư, đang đem lại thay đổi tích cực đối với phân khúc bất động sản công nghiệp.

Có điều đáng chú ý là nguồn vốn FDI đã thúc đẩy sự mở rộng đầu tư từ một loạt các tên tuổi lớn như Samsung, Intel, Foxconn, Pegatron, Goertek và nhiều "ông lớn" khác.

Những dự án đầu tư có giá trị lên đến hàng tỷ đô la đã bắt đầu đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đầu năm 2023, đã có hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các dự án của Compal và Quanta Computer.

Một điểm đặc biệt cần lưu ý là Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đã đóng góp một cách đáng kể vào việc mở rộng thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.

aafas.jpg
Ảnh minh họa.

Đồng thời, chi phí thuê lao động và đất ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á khác, tạo ra một lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã nhanh chóng nhận thức và tận dụng được xu hướng này.

Dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp quyết liệt của Chính phủ và các địa phương cùng với sự cống hiến không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành bất động sản, thị trường đã bắt đầu thể hiện những dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở đang thu hút sự quay trở lại của cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Thị trường đang trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập dự án.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong nước và hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư quốc tế cũng như duy trì và thu hút nhân lực trình độ cao đến làm việc tại Việt Nam, Chính phủ đã liên tục nỗ lực tăng cường thúc đẩy nguồn cung các sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu về nhà ở và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam ở những khu vực được cho phép. Đồng thời, đã đưa ra các quy định và tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài có thể mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Theo đánh giá, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trong quá trình các doanh nghiệp FDI đang nỗ lực để mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Mặc dù vẫn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý, nhưng việc các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam hơn là các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... đã chứng tỏ điều này.

N.T.D