Lễ hội Katê, nét đẹp văn hóa người Chăm ở Bình Thuận
Ngày 14/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận (Sở VHTT-DL) tổ chức khai mạc Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử và được duy trì đến ngày nay, đây là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm.
Lễ hội thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Phát biểu Khai mạc Lễ hội, ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Bình Thuận, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Đây là hoạt động nhằm tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận” nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách. Quảng bá, giới thiệu và khai thác văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống quý giá của dân tộc Chăm ở Bình Thuận nói chung và Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư nói riêng để phục vụ du lịch, thúc đẩy văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Đồng thời, thông qua hoạt động lễ hội sẽ góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Lễ hội Katê diễn ra tại di tích Tháp Pô Sah Inư bao gồm: phần Lễ và phần Hội. Trong đó phần Lễ là nội dung chính, cốt lõi, do các chức sắc tôn giáo Chăm huyện Hàm Thuận Bắc điều hành có nghi lễ cúng cầu an tại Tháp chính và bà con người Chăm, thực hiện nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh; Nghi lễ Nghinh rước y trang nữ thần Pô Sah Inư lên Tháp chính; mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần linh.
Phần Hội diễn ra các trò chơi dân gian như: Thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, giao lưu nghệ thuật dân gian Chăm do đội văn nghệ dân gian Chăm đến từ các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn.