Đời sống

Mưa lớn kéo dài, tỉnh Quảng Bình phải kích hoạt lực lượng xung kích tại chỗ

Trần Cường 13/10/2023 - 15:44

Trước tình hình mưa lớn mấy ngày qua và có thể kéo dài những ngày tới, có nguy cơ lũ quét, ngập úng gây chia cắt trên diện rộng, tỉnh Quảng Bình đã phải kích hoạt lực lượng xung kích tại chỗ cấp cơ sở để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 8 huyện thị đều có nguy cơ cao bị lũ lụt, ngập úng và sạt lở trong mùa mưa lũ. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, hệ thống sông suối dày đặc khiến Quảng Bình luôn ở tình trạng báo động đỏ, dễ bị chia cắt do mưa lũ gây ra sạt lở, nước khe suối dâng cao, nhiều bản làng bị cô lập.

anh-1.jpg
Mưa lớn kéo dài gây nguy cơ sạt lở, chia cắt cục bộ tại Quảng Bình

Để ứng phó với tình hình mưa kéo dài trong những ngày qua, tỉnh Quảng Bình đã thành lập các lực lượng xung kích tại chỗ cấp cơ sở. Trong trường hợp ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chia cắt địa bàn, các lực lượng bên ngoài không thể đến kịp để cứu nạn thì lực lượng tại chỗ giúp người dân thực hiện 4 tại chỗ để ứng phó, kịp thời hỗ trợ nhân dân ứng phó khi mưa lũ xảy ra.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình có 149 xã, phường, thị trấn đã kiện toàn, thành lập các đội xung kích Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn. Lực lượng mỗi đội từ 60 - 90 thành viên sẽ bám sát thực tế địa bàn và phát huy hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân ngay tại cơ sở.

anh-2.jpg
Trước nguy lũ lụt hiện hữu, Quảng Bình đã tiến hành kích hoạt lực lượng xung kích tại chỗ để ứng phó

Theo thông tin từ huyện Minh Hóa, toàn huyện có trên 70 điểm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nguy hiểm tại 14 xã, thị trấn. Gần 2.000 người dân nằm trong diện di dời nếu mưa, lũ lớn kéo dài diễn ra.

Xã biên giới Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) có nhiều điểm sạt lở, dễ dàng bị ngập lụt, chia cắt khi mưa lớn, lũ từ ở thượng nguồn đổ về các khe suối ngầm tràn. Để kịp thời ứng phó với thiên tai, lực lượng xung kích của xã này túc trực 24/24 vào thời điểm mưa lớn, ngăn người dân đi lại qua các ngầm tràn. Khi các bản làng bị chia cắt thì đây cũng là lực lượng tiếp cận đầu tiên để hỗ trợ người dân, thực hiện các phương án di dời.

anh-3.jpg
Hình ảnh trận lũ kinh hoàng năm 2020 tại Quảng Bình, lực lượng xung kích tại chỗ sẽ phát huy hiệu quả

Chủ tịch UBND xã Dân Hóa - Ông Đinh Văn Chinh cho biết, công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn được triển khai chủ động, khoa học, trách nhiệm và bám sát với tình hình thực tiễn ở địa phương. Phương án phòng chống thiên tai của xã theo phương châm 4 tại chỗ và thường xuyên theo dõi thời tiết để sẵng sàng di dời bà con nhân dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở và ngập lụt trên địa bàn.

Tại xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) có bản Ón, bản Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ chỉ có 1 tuyến đường độc đạo để ra vào. Khi mưa lớn xảy ra, các bản này dễ bị cô lập, chia cắt vì con đường bị ngập nặng. Các lực lượng bộ đội biên phòng của Đồn Biên phòng Cà Xèng được huy động tối đa để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di dời người và tài sản, ứng cứu khi có các sự cố ngập lụt, sạt lở núi trong thời điểm các lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường.

anh-4.jpg
Lập rào chắn những điểm ngập sâu tránh thiệt hại về người

Để khắc phục tình trạng ngập cục bộ trên tuyến đường khi mưa lớn, trước mùa mưa, đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ khơi thông dòng chảy nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt, chia cắt dài ngày. “Đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ bị sạt lở, bị ngập lụt để tìm phương án giúp dân trong quá trình có thiên tai, lũ lụt xảy ra” - Thiếu tá Đinh Tiến Trung, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình luôn sẵn sàng phương án ứng phó hiệu quả với từng loại hình, cấp độ thiên tai lũ lụt, sạt lở đất đối với từng địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan, phụ thuộc vào lực lượng chức năng mà cần chủ động phòng và tránh trước khi thiên tai ập tới, hạn chế mức tối thiểu nhất thiệt hại về người và của khi nước lũ đổ về.

z4779773251472_6c80320f8bbb53f59ee5925fd66d8e3d.jpg
Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ vì mưa lũ

Ông Trần Hoài Nam - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, khi mưa lớn xảy ra, dự báo xuất hiện lũ lụt, sạt lở, các địa phương triển khai lực lượng xung kích tại chỗ ứng phó kịp thời ngay tại cơ sở. “Quan điểm là huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại nhanh nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản” – ông Nam khẳng định.

Trần Cường