An ninh trật tự

Đấu tranh quyết liệt với “tín dụng đen”

Gia Ân- Huyền Trang 13/10/2023 - 11:45

“Tín dụng đen” không chỉ xuất hiện ở thành phố mà còn len lỏi đến từng ngõ ngách vùng nông thôn Nghệ An, gây bất ổn cho xã hội. Cơ quan chức năng làm rõ, trong vòng hơn 4 năm, số tiền mà các đối tượng cho vay lãi nặng trên địa bàn thu về khoảng 1.213 tỷ đồng.

4 năm bắt 200 vụ "tín dụng đen", với số tiền hơn 1200 tỷ

So với các địa phương khác trên cả nước, do đặc thù địa bàn rộng, dân số đông nên tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn Nghệ An luôn có những khó khăn, phức tạp.

Các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính. Thậm chí, nhiều đường dây còn sử dụng công nghệ cao để tổ chức hoạt động cho vay không thế chấp, hỗ trợ tài chính với thủ tục nhanh gọn, lãi suất cao. Hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn len lỏi về các vùng nông thôn.

tin-dung-1.jpg
Một số đối tượng bị Công an huyện Diễn Châu bắt giữ về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

Các băng nhóm “tín dụng đen” đánh trúng tâm lý của người vay như thời gian cho vay nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần gọi điện hay nhắn tin là có tiền ngay với lãi suất thấp. Với những lời chào ngon ngọt như vậy, các đối tượng cho vay "tín dụng đen" đã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy.

Cùng với đó, thủ đoạn thu hồi nợ của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng vô cùng manh động, liều lĩnh với nhiều hình thức như đe dọa, uy hiếp tinh thần, cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt cóc con nợ để buộc người nhà phải mang tiền đến chuộc gây hoang mang nhân dân, bức xúc dư luận.

Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm này còn tiềm ẩn lớn.

Từ ngày 25/4/2019 đến ngày 14/9/2023, Nghệ An đã phát hiện, bắt 200 vụ, 366 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 3 vụ bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết người, cưỡng đoạt tài sản liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cơ quan chức năng đã làm rõ, số tiền các đối tượng cho vay lãi nặng khoảng 1.213 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 54 tỷ đồng.

Mới đây, Công an huyện Diễn Châu đã bắt giữ Nguyễn Thị Chi Anh (SN 1991, trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) về hành vi cho vay lãi nặng. Theo đó, Chi Anh đã cho người khác vay tiền với lãi suất cao. Đối tượng thường thực hiện giao dịch cho vay qua điện thoại, người đến vay và đóng tiền lãi phải gọi điện hẹn trước, nếu thấy an toàn thì đối tượng mới gặp để giao dịch.

Từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 9/2023, Chi Anh đã cho một người phụ nữ ở huyện Diễn Châu vay 900 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 109,5%/năm), thu lợi bất chính 402 triệu đồng.

Quyết liệt đấu tranh với “tín dụng đen”

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”; đồng thời thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đấu tranh với loại tội phạm này.

tin-dung-2.jpg
Tang vật liên quan đến vụ án hoạt động “tín dụng đen” bị Công an huyện Diễn Châu phát hiện, thu giữ

Theo đó, cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm và vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

UBND tỉnh Nghệ An giao UBND các huyện, thành, thị căn cứ tình hình tại địa phương nghiên cứu thành lập Đoàn liên ngành định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để phát hiện, xử lý tội phạm. Chủ động phát hiện, trao đổi, phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý nghiêm tội phạm cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…nhất là hoạt động lợi dụng dịch vụ cho vay trực tuyến trên không gian mạng, vay qua ứng dụng điện thoại.

Triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu, điều kiện hoạt động “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cho vay trực tuyến, các hình thức “họ, hụi, phường”, đầu tư tài chính, tiền ảo, hoạt động huy động vốn lãi suất cao có dấu hiệu cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật… Mục đích nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.

Phối hợp cơ quan VKSND, TAND các cấp thực hiện đúng quy định về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

Cùng với đó, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An cần chủ động nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân… Tăng cường quản lý, giám sát và xử lý các tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ, tài khoản ảo nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”.

Đối với tài khoản ngân hàng có tài liệu, thông tin chứng minh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của cơ quan công an đề nghị tạm dừng giao dịch, phong tỏa theo quy định của pháp luật.

Gia Ân- Huyền Trang