Armenia và Azerbaijan đưa cuộc xung đột về Nagorno-Karabakh lên Tòa án Công lý Quốc tế
Ngày 12/10, tại Tòa án cao nhất của Liên hợp quốc, phía Armenia yêu cầu các Thẩm phán buộc Azerbaijan rút quân khỏi Nagorno-Karabakh và cho phép những người dân săc tộc Armenia di tản trở về khu vực ly khai một cách an toàn.
Các phiên điều trần tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) diễn ra chỉ vài tuần sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan nhằm giành quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh lần đầu tiên sau ba thập kỷ.
Chiến dịch kéo dài một ngày đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt của người dân sắc tộc Armenia, với đại đa số trong số ước tính 120.000 người đang sống trên lãnh thổ chạy trốn sang Armenia.
Chính quyền ly khai Karabakh tuyên bố rằng nước cộng hòa tự xưng sẽ bị giải thể vào ngày 1/1/2024 .
Armenia đã kiến nghị lên ICJ ra lệnh cho Azerbaijan "rút toàn bộ quân đội và nhân viên thực thi pháp luật khỏi tất cả các cơ sở dân sự ở Nagorno-Karabakh."
Kiến nghị cũng bao gồm lời kêu gọi Tòa án đảm bảo Azerbaijan "kiềm chế thực hiện bất kỳ hành động nào khiến những người dân tộc Armenia còn lại phải di cư hoặc ngăn cản sự trở về an toàn và nhanh chóng" của những người tị nạn.
ICJ xử lý các tranh chấp giữa các quốc gia nhưng mặc dù các quyết định của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng cơ quan này không có quyền thực thi chúng.
Phiên điều trần hôm thứ Năm tại Cung điện Hòa bình mang tính biểu tượng ở The Hague là phiên điều trần mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa hai đối thủ.
Mỗi quốc gia đều cáo buộc bên kia vi phạm hiệp ước của Liên hợp quốc - Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD).
Sau chiến dịch quân sự vào tháng 9, Armenia cáo buộc Azerbaijan tiến hành chiến dịch "thanh lọc sắc tộc" để loại bỏ Nagorno-Karabakh khỏi cộng đồng người Armenia của họ.
Nhưng Azerbaijan phủ nhận mạnh mẽ tuyên bố này và đã công khai kêu gọi cư dân Armenia trên lãnh thổ ở lại và "hòa nhập" với Azerbaijan.
Vùng núi Nagorno-Karabakh có dân cư chủ yếu là người Armenia và là một phần của Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã.
Nagorno-Karabakh đơn phương tuyên bố độc lập với sự hỗ trợ của Armenia khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Sau hoạt động này, các nhà lập pháp Armenia đã thông qua một bước quan trọng trong việc gia nhập một Tòa án quốc tế khác có trụ sở tại The Hague - Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).