Nghiên cứu và tăng cường việc hoàn thiện chính sách, chế độ về TNLĐ-BNN
Đây là thông tin đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022, vừa tổ chức hôm nay (6/4) tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2020 tới nay, do tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nên nhiều đơn vị, DN đã phải dành rất nhiều thời gian, chi phí đảm bảo và duy trì công việc. Một số cơ quan, đơn vị còn chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN).
Trong bối cảnh này, năm 2022, Tháng hành động về ATVSLĐ diễn ra trong tình hình mới, với chủ trương phát triển kinh tế kết hợp thích ứng linh hoạt và an toàn với Covid-19. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu chủ SDLĐ vừa tăng cường kiểm soát dịch, vừa phòng ngừa TNLĐ-BNN. “Chúng ta cần tăng cường các hoạt động để giảm thiểu rủi ro TNLĐ, cải thiện điều kiện làm việc và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Đây cũng là chủ đề hướng tới của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022”- ông Thanh nhấn mạnh.
Liên quan tới chính sách BH TNLĐ-BNN, ông Thanh cho biết, chính sách đã được ban hành và đi vào đời sống. Trong quá trình đó, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và tăng cường việc hoàn thiện chính sách, chế độ về TNLĐ-BNN, đặc biệt là về quỹ BH TNLĐ-BNN. Tuy nhiên, một số quy định về mức hỗ trợ trong Luật ATVSLĐ tới người bị TNLĐ còn thấp. Do vậy, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh mức hỗ trợ để NLĐ và thân nhân của họ đỡ khó khăn hơn.
Về thực tế khoảng trống “chính sách” với những NLĐ không có quan hệ lao động (lao động tự do) trong thực hiện chính sách BH TNLĐ-BNN, ông Lê Văn Thanh xác nhận, số lượng NLĐ diện này không nhỏ và rất thiệt thòi. Do vậy, chính sách BH TNLĐ-BNN dành cho NLĐ tự do đang được nghiên cứu bổ sung. Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ cho phép những NLĐ không có quan hệ lao động có thể đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN như các đối tượng ở khu vực chính thức. Qua đó, NLĐ tự do có thể được hưởng các chế độ như NLĐ có quan hệ lao động.
Chia sẻ thông tin tại cuộc họp về Tháng hành động diễn ra cùng ngày, ông Hà Tất Thắng- Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết, Tháng hành động ATVSLĐ (1/5-31/5) sẽ được chính thức phát động vào ngày 28/4 tại Hà Nội. Chương trình Lễ phát động còn kết hợp tổ chức Tháng Công nhân. Tới thời điểm này, 8 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và hơn 40 địa phương đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động. So với năm 2021, phạm vi chương trình năm 2022 được mở rộng, với nhiều hoạt động được tổ chức trên khắp cả nước như: Đối thoại của Hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về ATVSLĐ; tổ chức tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về ATVSLĐ.
Trong thời gian này, các sở, ban ngành sẽ phối hợp để tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ-BNN như: Xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế.
Cũng tại cuộc họp, ông Phát Nguyễn Mạnh Kiên- Phó Trưởng ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhấn thông tin, Công đoàn xác định sẽ có 3 điểm nhấn hoạt động trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022. Một hoạt động trọng tâm được tổ chức trong tháng 5 là cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với NLĐ về các vấn đề tiền lương, đời sống đoàn viên Công đoàn và NLĐ. Đồng thời, Công đoàn sẽ kết hợp với chủ SDLĐ tổ chức Diễn đàn “NLĐ vì DN và DN vì NLĐ”. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phát động và triển khai sâu rộng tại cơ sở các hoạt động của Chương trình “Cảm ơn NLĐ” trong dịp này.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2021, khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 707 vụ TNLĐ làm 748 người bị nạn, 175 vụ gây hậu quả chết người. Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủ công, cơ khí, thương mại dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương…