Giám sát chuyên đề về năng lượng: Phải chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan
Chính trị - Ngày đăng : 14:26, 12/10/2023
Đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, cho biết, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực chậm được nâng cao…
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025 là tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản…; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư, hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030…
Về nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Đoàn giám sát đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và các giai đoạn trước, sau có liên quan, làm rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, làm tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, báo cáo kết quả giám sát cần tiếp tục bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề năng lượng, như: Nghị quyết số 134 của Quốc hội khóa XV đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể về giám sát năng lượng, Nghị quyết 74 Quốc hội khóa XV về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Nghị quyết về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề năng lượng… Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là các Nghị quyết quan trọng đề ra nhiệm vụ cụ thể đối với vấn đề năng lượng của quốc gia nhưng báo cáo còn thiếu vắng nội dung này.
Nhấn mạnh yêu cầu giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát này còn chung chung, chưa chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc ban hành Nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng; bổ sung các số liệu, cập nhật tình hình thực tế trong dự thảo Nghị quyết…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo đầy đủ và dự thảo Nghị quyết. Đặc biệt, cần tiếp tục làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng công bằng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Đánh giá cụ thể hơn nữa về trách nhiệm, chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, các tập đoàn.