Ì ạch 7 năm làm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, nhưng mưa vẫn ngập
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng được khởi công từ tháng 6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Mỗi khi mưa, triều cường dâng, người dân lại khổ sở vì ngập.
Trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM – đơn vị 9, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè.
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Trung tướng Dương Văn Thăng – Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chủ trì Hội nghị tiếp xúc cử tri.
Tại Hội nghị, nhiều cử tri bày tỏ sự vui mừng vì Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Các cử tri cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cử tri Nguyễn Xuân Mừng, quận 7 đề nghị Quốc hội và Chủ tịch UBND TP.HCM quan tâm vấn đề phát triển giao thông khu vực phía Nam, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
"Người dân phải bì bõm di chuyển qua lại tuyến đường Trần Xuân Soạn mỗi khi mưa và triều cường lên, nhiều khi không biết đâu là bờ, đâu là sông. Vậy giải pháp nào để đẩy nhanh việc chống ngập này?", cử tri Nguyễn Xuân Mừng nêu thực trạng.
Ông cũng thắc mắc về giải pháp mới để xử lý 6 cống ngăn triều. "Khi nào xong để người dân thoát khỏi cảnh ngập sâu do triều cường và mưa?, ông Mừng đặt câu hỏi với ĐBQH.
Đồng quan điểm với cử tri Mừng, cử tri Lý Ngọc Minh, huyện Nhà Bè cũng mong muốn các ĐBQH đề nghị thành phố đẩy nhanh các dự án chống ngập để tăng cường hiệu quả chống ngập, qua đó giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Trả lời cử tri về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án này gặp nhiều vướng mắc và thành phố đã tập trung nhiều công sức để tháo gỡ. Tuy nhiên, dự án phải dừng sau một thời gian khởi động trở lại, do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
"Đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại khoảng 10% và cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành công việc còn lại", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết, thành phố đã đề xuất cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ thành phố để nhà đầu tư hoàn thành.
"Năm 2023, ngân sách Trung ương và thành phố dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng, trong đó 5.700 tỷ đồng để trả nợ cho dự án này nhưng do chưa xong thủ tục, nghiệm thu nên không thể thanh toán.
Do đó, TP.HCM xin cơ chế sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đồng, gắn với khối lượng mà nhà đầu tư đã hoàn thành, kiểm toán với khoảng 3.200 tỷ đồng, hoặc là cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án; sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng", ông Mãi nói.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố khẳng định, Thành phố đang khẩn trương tháo gỡ các điều kiện về vốn trong năm nay để sớm khởi động lại dự án.
Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá 10.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 6/2016. Mục đích của dự án nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố.
Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng phải dừng thi công tháng 4/2018. Giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND Thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).