Văn hóa - Du lịch

Nghệ An: Sức hấp dẫn từ các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc

Gia Ân-Mạnh Cường 12/10/2023 - 07:00

Với phong cảnh hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điểm du lịch ở huyện Con Cuông – Nghệ An đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Tại đây, du khách không chỉ được đắm mình vào thiên nhiên, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa độc đáo và nhiều món ăn ngon, lạ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các món ăn truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái

Nếu có dịp dừng chân ở bản làng, phố núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn do chính bàn tay của người Thái chế biến công phu, hấp dẫn và có vị ngon đậm đà.

dl-5.jpg
Du khách rất ưa thích các món ăn truyền thống của người Thái

Trong vốn ẩm thực của người Thái Con Cuông, phải kể đến những món ăn truyền thống như: Gà nướng - món ăn được rất nhiều thực khách ưa thích. Đây là loại Gà đồi được dân bản nuôi thả tự nhiên trên các sườn đồi sau nhà của người dân tộc bản địa, thịt rất chắc, thơm ngon và không có mỡ, gà khá bé chỉ hơn 1kg/1 con.

Hay như cá mắt sông Giăng là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách, bởi cá mắt là món ăn đặc sản không bị tanh, tuy bé nhưng có thể ăn cả thịt lẫn xương và hương vị thì thơm nồng hấp dẫn. Cá sông Giăng là loại cá chế biến được nhiều món ngon để du khách lựa chọn thưởng thức ngay tại nhà hàng, hay mua về làm quà. Tùy sở thích của du khách, ngoài cá tươi, cá kho còn có cá nướng.

dl-4.jpg
Gà là món ăn được rất nhiều thực khách ưa thích của người Thái Con Cuông

Món cá “Pa pỉnh tộp” khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, cả các loại rau thơm hòa quyện một cách hoàn hảo. Món này thường được ăn cùng với cơm gạo mới, xôi dẻo. Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, cay của quả mắc khén, màu xanh của hành, xanh của rau thơm lẫn màu vàng của cá nướng.

Cá nướng “Pa pỉnh tộp” trong tiếng Thái nghĩa là “cá gập nướng”. Người ta bắt cá suối, thường chỉ dùng cá chép, ướp với quả mắc khen, gừng, tỏi, rau thơm rồi đặt trực tiếp lên than hoa hoặc kẹp vào vỉ nướng. Loại cá này có thịt thơm, mềm, hòa quyện cùng với các loại gia vị khiến món cá trở thành món ăn đặc biệt.

dl-7.jpg
Nếu đến đây mà chưa thưởng thức cơm lam thì quả là một thiếu sót. Những ống cơm được làm từ gạo nương, thơm phức

Bên cạnh đó, thịt chua là món ngon cũng nổi tiếng không kém, được chế biến từ thịt lợn, thịt bò, thịt trâu, trộn với rất nhiều loại gia vị khác nhau, tạo nên món ăn độc đáo, mang hương vị của núi rừng Pù Mát. Cũng thuộc hạng đặc sản nhưng khô cá dễ tìm và quá quen thuộc với người tiêu dùng, còn khô nhái lại khá lạ lẫm, khó tìm. Song chính vì đặc điểm lạ lẫm, khó tìm ấy mà “vũ nữ chân dài” càng đáng giá. Hầu hết, những ai đã ăn khô nhái đều phải công nhận rằng sức quyến rũ, sự hấp dẫn hương vị của đặc sản này. Chính vì vậy khi đến Con Cuông mà chưa được thưởng thức món này thì coi như chưa đến Con Cuông.

du-l-8.jpg
Những ngày này, du khách đến với điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn rất đông để thưởng thức các món ăn ẩm thực của người Thái nơi đây

Từ lâu, cơm lam đã trở thành một món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái nơi núi rừng Con Cuông, món ăn giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Cơm lam được nấu một cách đặc biệt, đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa, cơm rất thơm, dẻo, hương vị ngon... Cơm lam không đơn thuần chỉ là món ăn trong bữa cơm hàng ngày, mà nó còn gắn với văn hóa truyền thống của người Thái. Khi người mẹ sinh con thường làm cơm lam cho ăn, cơm lam có tác dụng kích thích sức đề kháng, nhanh hồi phục sức khỏe.

Sự kết hợp tinh tế, hài hòa trong việc lựa chọn gia vị và chế biến từng món ăn

Để có được các món ăn ngon đó, từ bao đời nay, người Thái ở huyện Con Cuông khi chế biến món ăn đã rất khéo léo và tinh tế trong việc lựa chọn gia vị cho từng món ăn sao cho dậy mùi, hợp khẩu vị, có tác dụng cho sức khỏe. Trong đó, phải kể đến các gia vị đặc trưng, được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực của người Thái như hạt mắc khén, hạt dổi, hạt tiêu, ớt, gừng tươi, củ sả, các loại rau thơm, lá đắng, quả, lá mắc mật…

Trong quá trình chế biến, đồng bào Thái rất chú ý đến khâu tẩm ướp gia vị. Theo họ, đây là khâu quan trọng, quá trình này sẽ làm cho gia vị ngấm sâu vào món ăn, khi chín sẽ thơm ngon hơn và có dư vị đặc trưng.

du-lich3.jpg
Cá còm kho nồi đất, món ăn độc đáo mang hương vị của núi rừng

Chị Vi Thị Vui, dân tộc Thái, ở bản Khe Rạn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông chia sẻ: “Gia vị là một thứ không thể thiếu trong chế biến món ăn của đồng bào Thái. Ngoài việc tẩm ướp, đồng bào Thái còn tạo ra các món chấm rất đặc trưng với sự kết hợp của các loại gia vị. Điều đó khiến cho món ăn trở nên đậm đà hơn”.

Món ăn ngon phải biết kết hợp với nước chấm thích hợp, ở Con Cuông món chẩm chéo của người Thái đã nổi tiếng bao đời nay. Đó là món chấm được chế biến có sự kết hợp giữa hạt mắc khén, ớt tươi, gừng củ, muối, rau húng dũi, mùi tàu, rau mùi. Tất cả giã nhuyễn rồi cho vào lọ dùng dần. Chẩm chéo của người Thái dùng để chấm khá nhiều món ăn từ thịt đến rau như thịt lợn luộc, cá nướng, rau, măng luộc thậm chí còn dùng để chấm cả xôi.

dl-2.jpg
Đặc sản Con Cuông càng thêm phong phú với món cá mắt sông Giăng

Anh Nguyễn Đình Minh, du khách đến từ Vinh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức các món ăn của đồng bào Thái, thực sự tôi thấy rất ngon và ấn tượng. Các món ngon ở đây được tạo nên bởi sự sáng tạo và khéo léo kết hợp của các gia vị trong từng món ăn. Chính điều này đã làm cho các món ăn trở nên rất độc đáo và thơm ngon”.

Nhờ có sự kết hợp tinh tế và hài hòa các loại gia vị nên các món ăn trong văn hoá ẩm thực của đồng bào Thái có dư vị riêng, đậm đà và để lại ấn tượng sâu đậm đối với thực khách. Ngoài những món ăn đặc sản tại Con Cuông được kể trên, du khách còn có thể thưởng thức thêm rất nhiều những món ăn khác vô cùng nổi tiếng như: canh bon, mọc, bánh sừng sâu, xôi tím, xôi màu, lạp cá, cá nấu chua, canh chuối nấu lá chưa, cơm tấm... đây là những món ăn mang đậm bản sắc của con người Thái nơi núi rừng Pù Mát.

Gia Ân-Mạnh Cường