Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai Họp thường niên với Nhật Bản, Trung Quốc
Sáng ngày 11/10 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra các cuộc Họp thường niên lần thứ 6 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc.
Cuộc Họp thường niên lần thứ 6 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) + Nhật Bản diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Phạm Đức Luận - Chủ tịch ACDM – Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và đại diện Nhât Bản – Ông Murakami Takeo, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Vụ Quản lý thiên tai, văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản.
Cùng dự cuộc họp có đại biểu tới từ cơ quan phòng, chống thiên tai các quốc gia thành viên ASEAN, Trung tâm AHA và Ban Thư ký ASEAN và Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Họp thường niên ACDM + Nhật Bản là một cơ hội quý giá để các bên xem xét và đánh giá Kế hoạch công tác ACDM+Nhật Bản hàng năm, đồng thời tái khẳng định cam kết đối với hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý thiên tai.
Trong cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như Hợp tác ASEAN-Nhật Bản về quản lý thiên tai (gồm các nội dung Kế hoạch công tác ASEAN-Nhật Bản về Quản lý thiên tai giai đoạn 2021-2025; Tăng cường năng lực Củng cố cơ sở dữ liệu thiên tai và quản lý thông tin; hỗ trợ Dự án Đội Đánh giá và Ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN (ASEAN-ERAT) – Giai đoạn III; Hưởng ứng 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và Hội thảo hợp tác công tư ASEAN-Nhật Bản lần thứ 2 về các chính sách và công nghệ đồi mới sáng tạo trong phòng chống thiên tai; Biên bản ghi nhớ (MOIs) giữa Trung tâm AHA và Trung tâm giảm nhẹ thiên tai Châu Á, và giữa Trung tâm AHA và JICA…) và các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai + Nhật Bản lần thứ 3 diễn ra ngày 12/10.
Kết luận cuộc họp, với tư cách Chủ tịch ACDM năm 2023, ông Phạm Đức Luận cảm ơn và đánh giá cao kết quả đạt được trong cuộc họp, bao gồm việc xác nhận sự hỗ trợ của Nhật Bản cho các hoạt động của ACDM và việc thúc đẩy hợp tác công tư ASEAN-Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý thiên tai và hoàn thiện những nội dung để báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng AMMDM+Nhật Bản lần thứ 3 vào ngày 12/10.
Cũng trong sáng ngày 11/10, cuộc họp thường niên lần thứ 6 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai + Trung Quốc với sự chủ trì của ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai – Chủ tịch ACDM và bà YIN Mingyu, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế và Cứu nạn - Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận gửi lời chúc mừng Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2023), chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách mở cửa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đạt được trong 74 năm qua.
Năm 2020, cơ chế ACDM + Trung Quốc lần đầu tiên kích hoạt và đến năm 2021 đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + Trung Quốc về quản lý thiên tai lần đầu tiên. Cơ chế này đã định hướng cho sự hợp tác chung, thúc đẩy tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong quản lý thiên tai, góp phần xây dựng một khu vực có khả năng chống chịu trước các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận các nội dung quan trọng trong hợp tác ASEAN - Trung Quốc về quản lý thiên tai năm 2023 bao gồm: (i) Cập nhật về việc triển khai Kế hoạch công tác ASEAN - Trung Quốc về quản lý thiên tai; (ii) Dự thảo Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm hợp tác quản lý khẩn cấp ASEAN - Trung Quốc; (iii) Thỏa thuận dự án hợp tác ASEAN-Trung Quốc về quản lý thiên tai, (iv) Chương trình nâng cao năng lực quản lý thiên tai ASEAN - Trung Quốc; (v) Chuỗi các Diễn đàn Quản lý Thiên tai ASEAN - Trung Quốc, và (vi) Khung truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai ASEAN.
Kết luận tại Hội nghị, ông Phạm Đức Luận ghi nhận các thành tựu nổi bật và đóng góp của các bên liên quan trong thực hiện Kế hoạch Công tác ASEAN-Trung Quốc trong năm 2023, đây là xương sống cho quan hệ đối tác và hợp tác ASEAN-Trung Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong thời gian tới, cần khẩn trương hơn nữa thực hiện các kết quả đầu ra quan trọng để thúc đẩy Kế hoạch công tác giữa hai bên.