TP.HCM đi đầu về chuyển đổi số
Nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
TP.HCM hướng đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế phát triển của mọi ngành nghề, mang lại nhiều hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.
TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Việt Nam; đóng góp khoảng 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước.
TP.HCM định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với mục tiêu trên, thành phố luôn coi trọng và dành nhiều sự đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi số toàn diện ở các lĩnh vực, phát triển kinh tế số.
Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2021), TP.HCM đã tạo lập nền tảng, xây dựng hạ tầng và dữ liệu; giai đoạn 2 (2022-2025), thành phố tập trung phát triển và khai thác dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số.
Vừa qua, TP.HCM đón hai tin vui về chuyển đổi số: Thành phố xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số quốc gia; UBND Thành phố được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tặng giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục chính quyền số xuất sắc.
Có thể thấy rằng, công tác chuyển đổi số của TP.HCM ngày càng tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là lĩnh vực được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
TP.HCM đã và đang nỗ lực không ngừng để tạo ra môi trường kinh doanh và hạ tầng số hóa thúc đẩy sự phát triển và đổi mới sáng tạo. Đó là việc phát triển các chính sách và chiến lược đổi mới, khuyến khích sự đầu tư trong công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp...
Nhiều giải pháp tăng tốc chuyển đổi số
Những năm qua, TP.HCM chú trọng việc thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số. Trong đó, Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP.HCM luôn phát huy vai trò tiên phong trong công tác này.
Theo đó, Sở đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức triển khai và đưa vào vận hành cổng thông tin chuyển đổi số của thành phố tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhc..., chuyên mục Diễn đàn số.
Bên cạnh đó, Thành phố lập kế hoạch tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số và đô thị thông minh với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ chuyển đổi số tại TP.HCM…
Trước đó, từ ngày 15/6/2022, TP.HCM thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hoá sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung của thành phố cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.
Tính đến tháng 6/2023, TP.HCM đã cấp được hơn 1,5 triệu bản sao hộ tịch điện tử.
Sở cũng phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính…
Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ bản đồ số thành phố. Qua đó, kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phòng, chống vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản.
Về cơ sở dữ liệu bản đồ số dùng chung, TP.HCM đã triển khai và tích hợp dữ liệu các hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, dữ liệu hạ tầng giao thông, dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung.
Đặc biệt, TP.HCM triển khai cổng dữ liệu của thành phố tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov... và cổng dữ liệu mở tại địa chỉ https://opendata.hochiminhcity... thực hiện chia sẻ dữ liệu để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác và sử dụng.
Ngoài ra, thành phố hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố tập trung, ban hành 600 dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống này đã thiết lập cấu hình 617/740 dịch vụ công trực tuyến.
Mới đây, UBND TP.HCM đã ra mắt hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên các nền tảng số (giai đoạn 1). Hệ thống có ba chức năng chính, gồm: Tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, kết quả bộ chỉ tiêu điều hành; điều hành, quản trị; giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền.
Theo nhận định của Sở TT&TT TP.HCM, hệ thống bước đầu làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của thành phố.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính (17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình, 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần).
Tất cả được thực hiện trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/.
Hay Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ Thành đoàn tổ chức Diễn đàn Khoa học Sinh viên Quốc tế lần 7 năm 2023 với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số - The role of youth in digital transformation” từ ngày 28/8 - 7/10/2023...
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia không phải chỉ là một hoạt động riêng lẻ, mà là một chuỗi các hoạt động từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 trên toàn địa bàn thành phố với chủ đề: “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.
Trong đó phải kể đến Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”; chuỗi hội thảo chuyên đề và triển lãm chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”; tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM.